Phía sau những chuyến xe buýt
(Dân trí) - Không bắt đầu làm việc từ 8h sáng như mọi người, anh Nguyễn Đăng Khiêm lựa chọn công việc lái xe buýt để bắt đầu một ngày làm việc từ lúc 3h30 sáng.
Những điều ít ai biết
Nhiều năm qua, người lái xe buýt vẫn thường mang định kiến bởi thói quen chạy nhanh, phanh gấp, tạt vào điểm đón cắt đầu xe. Tuy nhiên, công việc vất vả của những người lái xe ít ai biết tới.
Đa phần ca làm việc của anh Nguyễn Đăng Khiêm - lái xe tuyến buýt 99 - bắt đầu từ lúc 5h. Tuy nhiên, anh Khiêm phải thức dậy từ 3h30 để kịp chuẩn bị và tới cơ quan bởi tài xế phải nhận xe trước 1 tiếng.
"4h nhận xe, tôi phải cùng với phụ xe kiểm tra an toàn và vệ sinh toàn bộ. Công việc này cũng mất khá nhiều thời gian nhưng phải hoàn thành sớm để kịp lăn bánh chuyến xe đầu tiên lúc 5h", anh Khiêm cho hay.
Anh Khiêm cho biết thường xuất phát từ bến xe Kim Mã qua Giải Phóng và đi tới điểm cuối là Thanh Trì. Tuyến buýt nằm trên cung đường đi làm, đi học và khám bệnh của nhiều người nên rất đông đúc vào giờ cao điểm.
Khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều là lúc anh Khiêm cảm thấy căng thẳng và áp lực nhất. Trung bình mỗi ngày, tài xế tuyến buýt 99 phải chạy 7 lượt. Thời gian mỗi lượt chạy là 1 tiếng cộng thêm 10 phút nghỉ. Tuy nhiên, các chuyến xe giờ cao điểm không thể đáp ứng khung giờ trên nên anh Khiêm phải dồn lượt nghỉ vào các chuyến sau.
"Nếu chạy âm giờ không có thời gian nghỉ thì sau 2-2,5 tiếng tôi lại phải nghỉ 10 phút. Đây là quy định, lái xe không được chạy liên tục trong nhiều giờ", anh Khiêm cho hay.
Sau khi xe đón khách và rời khu vực bến xe Kim Mã, anh Khiêm chia sẻ ngoài những áp lực về giờ giấc, ca làm thì 8 tiếng lái xe mỗi ngày trong nội thành Hà Nội, những giờ cao điểm giao thông ùn tắc sẽ không tránh được những va chạm. Nếu không may có va chạm, anh thường cố gắng giảng hòa, nhường nhịn để tránh xung đột không đáng có.
"Khi đọc những bài viết trên mạng xã hội kỳ thị lái xe buýt, chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng", anh Khiêm bộc bạch.
Sau 45 phút, xe di chuyển tới gần điểm cuối. Vừa mở cửa cho khách, anh Khiêm vừa ví nghề lái xe buýt ở Hà Nội như nghề làm dâu trăm họ. Kết thúc một chặng an toàn và đúng giờ đã khiến anh Khiêm cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tuy vậy, những người làm nghề lái xe như anh chỉ mong muốn, mọi người hãy thử trải nghiệm xe buýt nhiều hơn để có cái nhìn công tâm hơn với lái xe buýt.
Phụ xe cũng là nghề nguy hiểm
Làm nghề từ năm 2009, anh Nguyễn Thanh Tùng (32 tuổi) được coi là một phụ xe kỳ cựu. Hơn 10 năm qua, anh Tùng đã chứng kiến nhiều lần thay đổi của xe buýt.
Đáng kể nhất trong đó là số lượng xe tăng lên nên cảnh tượng chen chúc đã giảm đi rõ rệt. Xe thoáng mát hơn, không còn bí bách, chật hẹp ngay cả trong giờ cao điểm là điểm cộng rất lớn của xe buýt hiện nay.
"Xe buýt trước kia chỉ toàn người lớn tuổi, học sinh, sinh viên nhưng bây giờ hành khách là dân văn phòng tăng đáng kể. Họ ngồi trên xe có thể nghỉ ngơi, đọc báo hoặc xử lý công việc trên máy tính mà không phải bon chen trên đường", anh Tùng cho hay.
Công việc của lái xe bắt đầu lúc nào thì phụ xe cũng phải có mặt lúc đó. Vì thế, anh Tùng cũng thường xuyên phải đi làm từ sáng sớm. Dù không phải chịu áp lực điều khiển xe như tài xế nhưng anh Tùng phải kiểm soát vé sát sao. Bởi thẻ đi xe buýt miễn phí của người cao tuổi trùng màu với nhiều loại thẻ khác. Hơn nữa, loại thẻ này cũng dễ bị làm giả nên không ít phụ xe bị qua mặt.
"Nếu để lọt vé giả, phụ xe sẽ bị phạt tiền triệu (tương đương 15%) lương. Nếu bị phát hiện để lọt vé giả lần 2 thì sẽ bị đuổi việc. Hành động trốn vé của hành khách tiết kiệm được vài nghìn đồng nhưng có thể khiến một phụ xe mất việc làm", anh Tùng tiết lộ.
Phụ xe này thừa nhận, trong công việc, có một số ít lái phụ xe có hành vi, cử chỉ chưa phù hợp khi phục vụ hành khách, vì thế đã xảy ra những va chạm, căng thẳng không đáng có, tuy nhiên đó chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Anh Tùng mong muốn rằng, cả khách hàng và lái, phụ xe có thể cư xử nhẹ nhàng, thân thiện với nhau, để những chuyến xe buýt là những hành trình vui vẻ, văn minh và an toàn.