1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi:

Phát triển nghề dệt thổ cẩm làng Teng

Quốc Triều

(Dân trí) - Nghề dệt thổ cẩm làng Teng (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ hội để nghề dệt truyền thống phục hồi, giúp nâng cao đời sống người dân.

Chị Phạm Thị Kiều Oanh (21 tuổi) là một thợ dệt còn khá trẻ tuổi ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Từ một người không biết dệt, đến nay Oanh đã dệt thuần thục, kể cả những hoa văn khó. Nghề dệt thổ cẩm giúp Oanh có thêm tiền trang trải cuộc sống trong những lúc nông nhàn.

"Để sản phẩm dễ bán hơn, mình phải tìm cách cải tiến, làm ra những chiếc khăn, quần áo có giá thành vừa phải để đông đảo khách hàng đặt mua", Oanh chia sẻ.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm làng Teng - 1

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người trẻ ở làng Teng đã quay trở lại với nghề dệt truyền thống và trở thành những thợ dệt thực thụ (Ảnh: Quốc Triều).

Theo các già làng, người H're có truyền thống mặc đồ dệt thổ cẩm. Đàn ông đóng khố, mặc áo cánh ngắn hoặc ở trần, quấn khăn.

Phụ nữ mặc váy hai tầng khoác yếm cánh đen, đầu trùm khăn, đeo trang sức vòng cổ bằng đồng và đeo vòng hạt cườm. Màu chủ đạo của thổ cẩm là đen, đỏ, trắng.

Trong quan niệm của đồng bào H're, màu đen và trắng tượng trưng cho đất và nước, màu đỏ tượng trưng cho thần linh. 

Nghề dệt thổ cẩm tại làng Teng đã được đồng bào nơi đây gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.

Nguyên liệu chủ yếu dùng trong nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng là bông. Cứ đến độ tháng 3, tiết trời ấm áp, bông nở rộ, người phụ nữ H're mang gùi lên rẫy thu hoạch, mang về phơi khô tách hạt, nhồi mịn, kéo thành sợi, sau đó đem nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi đưa vào dệt.

Thổ cẩm làng Teng được dệt bằng tay. Để tạo ra các sản phẩm cần nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ.

Tạo ra sản phẩm thủ công vất vả như vậy nên giá thành cao hơn so với sản phẩm được may công nghiệp từ 2 - 3 lần. Tính ra, mỗi ngày công chỉ được 60.000 - 80.000 đồng, không cao nhưng với người làng Teng, cuộc sống còn khó khăn, nguồn thu nhập như thế là cũng tạm ổn.

Thời trước, những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công được mang đi bán ở các chợ truyền thống. Bây giờ, lớp trẻ đưa lên mạng xã hội giới thiệu, quảng bá về thổ cẩm làng mình.

Nhờ sự nắm bắt thị hiếu nhanh nhẹn và thoát khỏi tính khuôn mẫu, thổ cẩm làng Teng được dùng để may vest nam, đầm dạ hội, kể cả đầm cưới phối thêm ren, lưới với những đường may tinh xảo.

Những năm gần đây, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược ngày càng thuận lợi, người H're bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ trang phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi.

Hơn nữa, để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ phải tốn thời gian khoảng nửa tháng, có khi lâu hơn, tùy theo kích thước.

Do đó, giá thành sản phẩm thổ cẩm làng Teng khá cao. Một tấm thổ cẩm có giá khoảng 800.000 đồng, nhưng nếu may thành bộ áo quần thì có giá 950.000 đồng. Mặc dù vậy, giá trị về kinh tế vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm làng Teng - 2

Dệt thủ công giúp thổ cẩm làng Teng có những sắc màu đặc biệt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh: Quốc Triều).

Ông Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, năm 2019, Bộ VH-TT&DL vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người H're ở làng Teng là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là mốc hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm làng Teng.

Để làng nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng tiếp tục phát triển, ngoài mặt hàng thổ cẩm du lịch, người dệt thổ cẩm còn phải tập trung theo hướng sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, may túi xách thời trang, đồng phục với nhiều hoa văn đa dạng, đậm nét văn hóa của người H're nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của đông đảo khách hàng.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung cải tạo hệ thống đường giao thông đồng bộ, tạo sự liên hoàn thông suốt giữa các tuyến đường, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với thiết chế văn hóa cơ sở.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm làng Teng - 3

Các nghệ nhân đang truyền dạy các kỹ thuật dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ (Ảnh: Quốc Triều).

Vào đầu năm 2021, HTX dịch vụ nông - lâm - du lịch - văn hóa làng Teng cũng đã được thành lập với 19 thành viên. Mục đích là hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên, nhất là các thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Teng, phát triển nghề dệt truyền thống, quảng bá sản phẩm thổ cẩm, mở hướng phát triển mạnh du lịch. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm, đưa nghề dệt thổ cẩm phát triển và giúp người dân gắn bó với nghề này nâng cao đời sống.