1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Du học về, điều gì khiến cô gái Chăm bỏ phố về quê dệt thổ cẩm

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Nhiều phụ nữ dân tộc Chăm ở An Giang dù có điều kiện làm việc ở thành phố lớn hay nước ngoài nhưng vẫn chọn quay về vùng biên giới khó khăn để lưu giữ những công việc cổ truyền mang bản sắc dân tộc.

Dọc các huyện biên giới của tỉnh An Giang là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Cộng đồng người Chăm nơi đây theo đạo Hồi, họ lưu giữ được nhiều nét đặc sắc từ ngôn ngữ, trang phục và ẩm thực riêng của dân tộc.

Nhiều nghề truyền thống như dệt vải Chăm, làm tung lò mò (lạp xưởng bò) vẫn được thực hiện theo cách cổ xưa dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

Không ít người Chăm, nhất là phụ nữ có trình độ cao, có điều kiện định cư, làm việc ở thành phố lớn hay ở nước ngoài đã chọn quay về quê hương để góp phần phát huy bản sắc dân tộc.

Ấp Phủm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, An Giang) là nơi còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm Chăm tiêu biểu trong vùng. Theo những nghệ nhân trong ấp, công việc dệt thổ cẩm theo cách truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt, tồn tại rất chật vật, thu nhập thấp, ngày công chẳng đáng là bao.

Du học về, điều gì khiến cô gái Chăm bỏ phố về quê dệt thổ cẩm - 1

Khung cửi dệt thổ cẩm Chăm (Ảnh H.D).

Dù vậy, những nghệ nhân già không nỡ để khung cửi "nghỉ hưu", họ vẫn cố gắng hết sức góp phần lưu giữ hồn cốt dân tộc mình và truyền lửa cho thế hệ nối tiếp. Không phụ sự kỳ vọng, nhiều người trẻ đã lựa chọn ở lại ngồi bên khung cửi để giữ lửa nghề.

Chị Saphynah là thành viên trong gia đình có nhiều thế hệ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm Chăm. Từng được đi du học và ở lại nước ngoài làm việc một thời gian nhưng chị Saphynah đã quyết định quay về quê dệt thổ cẩm như bà ngoại và mẹ khiến cả ấp bất ngờ.

Chị Saphynah chia sẻ: "Khi còn bé, thấy công việc dệt thổ cẩm vất vả, tốn thời gian, thu nhập thấp mà hàng lại khó bán nên tôi chỉ ước lớn nhanh để đi làm việc khác. Tuy nhiên khi đã được ra bên ngoài, tôi lại nghĩ bản thân và những đồng bào Chăm phải giữ được những đặc sắc văn hóa của dân tộc để tự hào khi bạn bè hỏi đến, vì thế mà tôi chọn quay về quê để nối nghề của mẹ.

Có lẽ bà ngoại, mẹ tôi và những nghệ nhân trong ấp đều không dệt thổ cẩm chỉ  vì tiền. Họ đều muốn qua khung cửi góp phần lưu giữ, truyền lại cốt hồn của dân tộc. Chúng tôi sẽ cố gắng để nét bản sắc này không mai một, sẽ truyền lửa cho thế hệ tiếp theo".

Hiện gia đình chị Saphynah đã mở một xưởng dệt thổ cẩm Chăm, vừa sản xuất vừa phục vụ tham quan du lịch. Tại xưởng, du khách trong và ngoài nước được tận mắt thấy tất cả những công đoạn tạo nên một chiếc khăn Chăm và được nghe nghệ nhân thuyết trình về những điều đặc biệt của một vùng quê, một cộng đồng với nhiều bản sắc.

Gia đình chị Saphynah cũng hỗ trợ máy móc, nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho nhiều hộ dân tham gia dệt thổ cẩm Chăm. Những chiếc khăn Chăm độc đáo được chị Saphynah bán trên nhiều nền tảng mạng xã hội, tạo điều kiện cho nghề truyền thống tồn tại và góp phần quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng trong ấp Phủm Soài, chị Hứa Thị Rokya dù có bằng đại học và từng định cư ở TPHCM nhưng nay lại chọn về quê tiếp nối nghề làm tung lò mò của cha để lại.

Chị Rokya chia sẻ, tung lò mò là món ăn đặc sắc nhất, đại diện cho ẩm thực của cộng đồng Chăm Islam trong vùng. Dù vậy, đến nay món ăn độc đáo này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chị Rokya muốn phát triển, thương mại hóa để tung lò mò thành đặc sản nổi tiếng nhằm tăng lượng tiêu thụ, từ đó nghề làm tung lò mò có điều kiện tồn tại và phát triển.

Du học về, điều gì khiến cô gái Chăm bỏ phố về quê dệt thổ cẩm - 2

Món tung lò mò đặc sản của dân tộc Chăm ở An Giang (Ảnh: N.T).

Theo chị Rokya, tung lò mò là món ăn hoàn toàn được làm thủ công, thời gian bảo quản ngắn, sản lượng thấp. Vì vậy mà nghề làm tung lò mò ít người mặn mà. Thời gian qua, chị đã cố gắng nghiên cứu để tối ưu sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng nguyên bản nhưng có thời gian sử dụng lâu hơn, từ đó có thể vận chuyển đi xa.

"Tôi cũng đã chào bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và khắp các hội chợ trong nước và trong khu vực. Hiện mỗi tháng tôi tiêu thụ được khoảng 1 tấn sản phẩm", chị Rokya chia sẻ.

Trân trọng và mong muốn góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc đang là động lực để những người trẻ như chị Rokya, chị Saphynah và nhiều phụ nữ Chăm chấp nhận khó khăn rời chốn phồn hoa quay lại quê hương giữ lửa nghề truyền thống.