Phạt 11 năm tù vị giám đốc "cam kết" đưa lao động sang Úc làm việc
(Dân trí) - Theo Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, hành vi của bị cáo Lê Duy Anh nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, ảnh hưởng đến chính sách hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước khác.
Sau 2 ngày xét xử, chiều 7/5, TAND tỉnh Nghệ An đã quyết định hình phạt tù đối với Lê Duy Anh (SN 1979, trú huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và các đồng phạm về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".
Trước đó, Lê Duy Anh là Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn du học Chấn Hưng có trụ sở tại Hà Nội. Từ năm 2016 đến tháng 4/2018, Lê Duy Anh và Hoàng Văn Toản (SN 1962, trú Thanh Miện, Hải Dương, là bảo vệ của trung tâm) đã bàn bạc, thống nhất việc tuyển người, thu hồ sơ, thu tiền để đưa sang Australia làm việc.
Hai người này đưa ra thông tin sang Australia thu hoạch, đóng gói nông sản, mức lương từ 60 triệu đồng/tháng, thời hạn 2 năm để thu hút người lao động. Các lao động muốn sang đây làm việc, ngoài đảm bảo các yêu cầu về nhân thân, sức khỏe, phải đóng chi phí xuất cảnh từ 23.000-33.000 USD/người (mức chi phí tùy từng thời điểm), đặt cọc 1.000 USD.
Lê Duy Anh và Hoàng Văn Toản thông qua 3 "chân rết" ở Nghệ An để tuyển dụng lao động và thu hồ sơ, thu tiền. Đã có 415 lao động thuộc nhiều tỉnh thành nộp tiền đi Australia thông qua đường dây của Lê Duy Anh.
Cơ quan chức năng xác định, thông qua các "chân rết", Lê Duy Anh đã thu của hàng trăm lao động 910.900 USD và gần 1,3 tỷ đồng. Lê Duy Anh đã chi phí cho phía đối tác Malaysia gần 18 tỷ đồng.
Có 145 lao động được Duy Anh và Toản tổ chức xuất cảnh sang Malaysia để đối tác bên này hướng dẫn thủ tục xin visa đi Australia. Tuy nhiên, do không xin được visa nên các lao động này phải quay về Việt Nam.
Tại phiên tòa, Lê Duy Anh thừa nhận hành vi phạm tội. Vị giám đốc này thừa nhận việc giữa Việt Nam và Australia chưa ký kết hợp tác lao động, Trung tâm Chấn Hưng cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, ảnh hưởng đến chính sách hợp tác lao động giữa nhà nước ta với các nước khác, đồng thời làm xấu hình ảnh người lao động Việt Nam trong nhìn nhận, đánh giá của chính phủ các nước đối với đất nước ta về người lao động.
Trong vụ án này, Lê Duy Anh đóng vai trò là người cầm đầu và khởi xướng. Do vậy Hội đồng xét xử tuyên phạt 11 năm tù. Với vai trò đồng phạm giúp sức, Hoàng Văn Toản lĩnh 3 năm tù. Ba chân rết của Duy Anh ở Nghệ An bị tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù.
Tòa buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã thu cho các lao động.