Hơn 400 lao động "ăn cú lừa" xuất ngoại của vị giám đốc điển trai

Hoàng Lam

(Dân trí) - Hàng trăm lao động ở nhiều tỉnh thành đóng tiền cho Lê Duy Anh và đồng phạm để mong được qua Australia làm công việc đóng gói hoa quả. Tuy nhiên, không một ai trong số họ có thể đến "miền đất hứa".

Xét xử Lê Duy Anh và đồng phạm đưa người đi nước ngoài trái phép

Từ ngày 5-6/5, tại Nghệ An, TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án Lê Duy Anh (SN 1979, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và đồng phạm về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".

Trung tâm đào tạo và tư vấn du học Chấn Hưng (gọi tắt là Trung tâm Chấn Hưng) được thành lập vào năm 2015 do Lê Duy Anh làm giám đốc. Trung tâm không có chức năng, nhiệm vụ môi giới, tuyển dụng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do từng làm việc trong lĩnh vực môi giới, đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Malaysia nên Lê Duy Anh quen biết nhiều đối tác ở trong nước và Malaysia. Vị giám đốc này thuê Hoàng Văn Toản (SN 1962, trú huyện Thanh Miện, Hải Dương) làm bảo vệ trung tâm.

Lê Duy Anh nói với Hoàng Văn Toản có thể làm được thủ tục đưa người Việt Nam đi lao động tại Australia và rủ cùng tham gia tìm kiếm lao động có nhu cầu đi sang đây làm việc. Trong thời gian này, Lê Duy Anh đã ký kết thỏa thuận tư vấn tuyển dụng và làm thủ tục đưa lao động sang Australia làm việc với 3 đối tác của Malaysia.

Hơn 400 lao động ăn cú lừa xuất ngoại của vị giám đốc điển trai - 1
Toàn cảnh phiên xét xử vụ án "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" diễn ra tại TAND tỉnh Nghệ An ngày 6/5.

Thông qua các mối quan hệ trước đây, từ tháng 8/2015 - 12/2018, Lê Duy Anh cùng Hoàng Văn Toản đã nhiều lần trực tiếp vào Nghệ An để gặp Trần Thị Thành (SN 1959), Hồ Thị Hằng (SN 1965) cùng trú tại TP Vinh, Nghệ An và Trần Thị Hà (SN 1974, trú thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) để giới thiệu đơn hàng.

Tại các buổi gặp gỡ này, nhằm tạo niềm tin cho các phụ nữ trên, Duy Anh nhận là giám đốc một trung tâm đào tạo, tư vấn du học, xuất khẩu lao động nước ngoài thuộc một cơ quan Trung ương; Hoàng Văn Toản là giám đốc trung tâm đào tạo, tư vấn xuất khẩu lao động nước ngoài của một công ty có tiếng trong lĩnh vực XKLĐ tại Hà Nội.

Hai người đàn ông này giới thiệu đang có đơn hàng đưa người sang Australia làm việc cho một nông trại. Công việc chính là thu hoạch, đóng gói trái cây, mức lương từ khoảng 60 triệu đồng/tháng, thời hạn làm việc 2 năm và sẽ được gia hạn thêm. Để tham gia chương trình này, người lao động phải tốt nghiệp THPT, không vi phạm pháp luật, sức khỏe đảm bảo.

Chi phí xuất cảnh từ 23.000-33.000 USD (tùy theo thời điểm), người lao động nộp tiền "cọc" 1.000 USD và hồ sơ. Phần còn lại Lê Duy Anh và Hoàng Văn Toản sẽ lo hết cho đến khi đặt chân đến .

Hơn 400 lao động ăn cú lừa xuất ngoại của vị giám đốc điển trai - 2

Lê Duy Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn Hưng.

Sau đó, Trần Thị Thành, Hồ Thị Hằng, Trần Thị Hà đã tự tìm kiếm người có nhu cầu đi Australia làm việc để tư vấn, nhận hồ sơ, thu tiền. Những người phụ nữ này đã tăng chi phí xuất cảnh lên từ 2.500-4.000 USD/hồ sơ nhằm hưởng chênh lệch.

Ông N.T.T (trú tại Yên Thành, Nghệ An) cho biết: "Họ cam đoan với chúng tôi đây là đường dây đi Australia hợp pháp, đảm bảo an toàn tôi mới dám vay mượn để đóng tiền cho 2 đứa con trai đi. Giờ thì đi không được, còn ôm một đống nợ".

Theo lời khai của Lê Duy Anh và đồng bọn, 415 lao động các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình đã đóng tiền, nộp hồ sơ để đi XKLĐ sang Australia. Nhiều người mới đóng tiền cọc, một số người đã đóng tới 40.000 USD cho Lê Duy Anh và các chân rết.

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến tháng 4/2018, Lê Duy Anh và Hoàng Văn Toản đã 18 lần tổ chức cho 145 lao động sang Malaysia để làm thủ tục xuất cảnh đi Australia. Nhiều người sau đó không đồng ý đi đã lấy lại hồ sơ và tiền.

Hơn 400 lao động ăn cú lừa xuất ngoại của vị giám đốc điển trai - 3
Lê Duy Anh và các đồng phạm tại phiên tòa.

Lý giải về việc cam kết đưa đi Australia nhưng lại đưa lao động sang Malaysia, Lê Duy Anh cho biết: "Các lao động trình độ ngoại ngữ hạn chế, không thể vào đại sứ quán Australia để phỏng vấn xin visa được. Phía đối tác bên Malaysia hướng dẫn đưa lao động sang, họ sẽ có trách nhiệm tổ chức cho lao động đến đại sứ quán Australia ở bên đó để phỏng vấn xin visa, như thế thì nhanh và dễ hơn".

Lê Duy Anh cũng thừa nhận bản thân biết giữa Việt Nam và Australia chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động. Bản thân trung tâm do Lê Duy Anh làm giám đốc cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới XKLĐ.

Cơ quan chức năng xác định, thông qua các môi giới, Lê Duy Anh đã thu của các lao động 910.900 USD và gần 1,3 tỷ đồng.

Sau thời gian ở Malaysia chờ xuất cảnh nhưng không được, các lao động trên đã về Việt Nam, đòi lại số tiền đã nộp. Cơ quan chức năng xác định do chưa có người lao động nào xuất cảnh được sang Australia nên không có căn cứ để xác định số tiền thu lợi bất chính mà Lê Duy Anh và đồng phạm đã được hưởng.

Viện KSND tỉnh Nghệ An xác định trong vụ án này, Lê Duy Anh có vai trò chính, là người chủ mưu, cầm đầu; Hoàng Văn Toản đồng phạm với vai trò giúp sức còn Trần Thị Thành, Hồ Thị Hằng và Trần Thị Hà là đồng phạm với vai trò người thực hành.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Do vụ án có đông người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX sẽ nghị án kéo dài. Thời gian tuyên án được ấn định vào chiều 7/5.

Các bị cáo bị truy tố tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 275 Bộ luật hình sự, đối mặt mức án từ 7-15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.