Ông cử, bà thạc thất nghiệp tăng: Công chức ''đắt như vàng''

Kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, trong tương lai công chức sẽ lên ngôi...


Mong muốn tìm được việc làm của một cử nhân mới ra trường. 

Mong muốn tìm được việc làm của một cử nhân mới ra trường. 

TS Nghiêm Văn Lợi – ĐHLĐXH đã nói như vậy với báo Đất Việt xung quanh thống kê tỉ lệ cử nhân đại học, cao đẳng đang bị dư thừa so với nhu cầu của thị trường lao động.

Báo cáo của Bộ TB&LĐXH cho biết, thống kê trong quý III/2015, cả nước có 1.128.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 15.900 người so với quý 2. Đặc biệt, có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp, tăng 24.100 người so với quý 2 và 225.500.

Người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, tăng 26.100 người. Như vậy, trái với xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp chung, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn lại tăng. TS Nghiêm Văn Lợi – cho rằng số liệu này còn chưa tính gộp cả những người có bằng cấp nhưng đi làm công nhân, thợ hồ, xe ôm hay bán trà đá theo diện “cứ có việc là làm”. Nếu tính đủ cả diện như vậy thì tỉ lệ thất nghiệp còn cao hơn rất nhiều.

Lập luận này trùng khớp với nhận định của Vụ Thống kê Dân số & Lao động (Tổng cục Thống kê) trước đó khi cho rằng, những sinh viên đã tốt nghiệp chưa tìm được việc làm theo ngành nghề đào tạo phải làm bất cứ một việc gì khác như bán hàng nước, bán nước mía, chạy xe ôm… không được coi là thất nghiệp. Vì thế, vị tiến sĩ cho hay ngay cả những bà bán rau ngoài chợ vẫn được coi là có việc làm.

Thất nghiệp còn tăng

Tiếp tục lý giải nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu và rộng như hiện nay thì nguy cơ và hệ lụy thế nào, TS Nghiêm Văn Lợi cho biết có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về phía người lao động. Có thể trong quá trình đào tạo, người được đào tạo nhưng học hành không tới nơi tới chốn, đua đòi, ham chơi, lười học hỏi...

Về phía đào tạo cũng có thể do dự báo nhu cầu sai dẫn tới chất lượng đào tạo không tốt, đào tạo bị lệch pha không theo kịp được yêu cầu của thị trường; lệch lạc trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, đào tạo nhưng thị trường không hấp thụ được. Nơi thì thiếu nhưng có nơi lại thừa.

Điều này cảnh báo khi đối diện với xu hướng hội nhập mới, lao động trong nước không đáp ứng được các doanh nghiệp sẽ phải đi thuê lao động nước ngoài.

Vị tiến sĩ cho biết, nếu không cải thiện cả về chất lượng, tay nghề sẽ không tận dụng được những lợi thế cạnh tranh để phát huy. Cứ như vậy, cả lao động có trình độ và lao động có tay nghề cũng phải đối diện với nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà.

"Tôi từng giảng trong một buổi lên lớp, tôi đã nói rằng nếu cứ đào tạo như hiện nay, ngay cả với ngành kế toán trong tương lai doanh nghiệp họ sẽ thuê kế toán nước ngoài chứ không tuyển kế toán trong nước", ông Lợi nói.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Lợi là quan trọng và được xem là nguyên nhân cốt lõi đó là sự tác động từ nền kinh tế vĩ mô. Do kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản nhiều; doanh nghiệp mới thành lập nhưng không hấp thụ được lao động dư thừa, dẫn tới tình trạng lao động đào tạo xong cũng không biết xin vào đâu.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế lại chủ yếu tập trung vào phát triển những ngành dịch vụ mà ít quan tâm tới những ngành sản xuất. Vì thế, mới có tình trạng nguồn lao động đổ xô theo học làm thầy, ai cũng muốn có bằng tiến sĩ, cử nhân mà không thích học làm thợ.

Điều này lý giải vì sao thời gian vừa qua có câu chuyện nghịch lý tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài cũng không thể thi đỗ vào công chức trong nước, trong khi tình trạng thất nghiệp mỗi ngày một tăng cao.

Theo vị tiến sĩ, ngoài chương trình đào tạo, cách thức đào tạo khác với Việt Nam thì nguyên nhân quan trọng khiến các tiến sĩ du học nước ngoài cũng không vào được công chức là sự chủ quan, kiêu căng, không chịu tìm hiểu lại "văn hóa thi tuyển công chức" thời hiện đại.

Đây được xem là nghịch lý khi mà du học nước ngoài cũng không đáp ứng được yêu cầu, còn trong nước thất nghiệp cao vẫn không tuyển dụng được nhân tài.

Theo thống kê, trong nước tỉ lệ ra trường thì nhiều, số lượng tuyển lại hạn chế. Người có nhu cầu cần phải vào, muốn được vào, sẽ được vào cao nhưng tỉ lệ "muốn cũng không được" lại cao hơn nữa. Do đó, trong dân gian mới truyền nhau câu cửa miệng "Nhất hậu duệ. Nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư mới là trí tuệ".

Hơn nữa, ở Việt Nam xu hướng muốn được vào làm cán bộ công chức nhà nước là xu hướng chung, là mong muốn của nhiều người. Trong bối cảnh kinh tế càng khó khăn, mong muốn được vào công chức lại càng cao hơn.

Ngoài việc hướng tới khả năng ổn định, vị tiến sĩ cũng nói thẳng có cả những suy nghĩ tiêu cực.

"Vào công chức không chỉ để nhận lương, vào công chức còn mong muốn kiếm được bổng lộc. Vì thế, trong tương lai cán bộ, công chức sẽ là ước mơ của nhiều người, đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời nhất", TS Nghiêm Văn Lợi đánh giá.

Chạy công chức chắc đắt lắm

Vị tiến sĩ cũng nhìn nhận, khi cung vượt cầu chắc chắn sẽ diễn ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nói cách khác, cái giá sẽ tăng cao. Đây là cơ hội cho những hoạt động tham nhũng, chạy chức, chạy quyền lộng hành, kiếm lợi.

"Rất dễ hiểu vì thực tế luôn theo luật cung cầu. Khi cung thừa, cầu thiếu chắc chắn cái giá cũng sẽ bị đội lên. Chạy vào công chức sẽ đắt lắm", vị tiến sĩ lo ngại.

Thật thà thừa nhận không biết cái giá để vào được công chức cụ thể là thế nào, ông chia sẻ cũng có nghe người ta nói 100 triệu hay vài trăm triệu nhưng đó cũng chỉ là những lời truyền tai nhưng ông lo ngại mức giá này trước đây nếu là 1 thì tương lai có thể phải tăng lên gấp 5-10 lần. Thậm chí có tiền, cũng chưa chắc đã vào được công chức.

Và điều vị chuyên gia lo lắng nhiều hơn là chủ trương tinh giản biên chế. Cứ với cách thức đào tạo, tuyển dụng như hiện nay ông Lợi cho rằng kịch bản "tinh một phình bốn" sẽ còn lặp lại trong tương lai.

Tuy nhiên, nói như vậy, cũng không có nghĩa là không thể thực hiện được. Theo vị chuyên gia, ông có đọc qua chủ trương tinh giản công chức của Bộ LĐTB&XH, theo đó, ông cho biết nếu làm một cách nghiêm túc, quyết liệt chắc chắn mục tiêu sẽ đạt được.

Cụ thể, đề án đề cập tới yêu cầu mỗi năm Bộ phải giảm 10% biên chế không làm được việc để tuyển 5% mới. Nghĩa là phải giảm 10 người không làm được việc và phải tuyển 5 người mới có thể có đủ trình độ, năng lực có khả năng để đáp ứng được công việc. Đây gọi là chủ trương thanh lọc, mà hiện Viettel đang áp dụng. Nếu cứ thực hiện theo biện pháp thanh lọc như vậy chắc chắn trong vòng 5-10 năm sẽ có kết quả tốt.

Tuy nhiên, nếu thực hiện không tốt thì sẽ nảy sinh những tiêu cực khác. Như loại 10 % không cùng phe cánh, để đưa 5% phe cánh của mình, tạo chân dết tham nhũng, nhũng nhiễu dễ hơn.

Vì vậy, TS Nghiêm Văn Lợi nhắc nhở một chính sách bao giờ cũng có hai mặt. Dù đó là một chính sách tốt vẫn có thể bị biến thành công cụ phục vụ cho ý đồ xấu của mỗi cá nhân. Việc này là khó tránh khỏi và khó có thể kiểm soát được.

Theo Báo Đất Việt