Nuôi giống gà cổ đại, nông dân "nhặt" tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Nuôi 2.800 con gà Ai Cập siêu trứng, mỗi ngày bà Chính thu về hơn 1.000 quả trứng. Cỗ máy "siêu đẻ", giúp gia đình người nông dân này bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.
Cứ 30 phút đồng hồ, bà Lê Thị Chính (49 tuổi, thôn Viên, xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) lại ra trang trại gà của gia đình để nhặt trứng.
"Loại gà này sau hơn 4 tháng nuôi đã đẻ trứng. Mỗi ngày gia đình tôi thu về hơn 1.000 quả trứng, giá bán 2.600-2.800 đồng/quả, tôi có gần 3 triệu đồng", bà Chính cho biết.
Bà Chính kể, năm 2021, bà vay tiền đầu tư nuôi gà thịt. Sau 3 năm, người phụ nữ này không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn dành ra một số vốn để đầu tư, phát triển kinh tế.
Cuối năm 2023, thị trường gà thịt nhiều biến động, chăn nuôi không cho lãi khủng như trước, bà Chính quyết định chuyển dần sang nuôi gà Ai Cập siêu trứng.
"Mề gà nhỏ nên ăn rất ít, hết 1,3g thức ăn/ngày. Lượng thức ăn tiêu thụ của loại gà này chỉ bằng một nửa so với gà nuôi lấy thịt", bà Chính nói.
Dù ăn rất ít nhưng gà Ai Cập siêu trứng lại mắn đẻ, đẻ rất nhiều. Hơn 4 tháng nuôi, gà Ai Cập siêu trứng sẽ sinh sản. Bình quân mỗi tháng, 1 con gà có thể đẻ 25-26 quả trứng. Gà đẻ liên tục trong vòng 18 tháng.
Thị trường chủ yếu của gia đình bà Chính là các tiểu thương tại chợ, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với đầu ra và giá cả tương đối ổn định, bình quân mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, gia đình bà thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Về kinh nghiệm nuôi gà, theo bà Chính, con giống phải tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Quá trình nuôi phải được tiêm phòng vaccine từ đầu. Một con gà Ai Cập siêu trứng từ khi nuôi đến khi đẻ trứng mất khoảng 4 tháng, tiêm 3 lần vaccine.
Tại chuồng trại, bà Chính sử dụng đệm lót sinh học và phun thuốc khử trùng định kỳ để đảm bảo môi trường. Nguồn chất thải cũng được kiểm soát chặt chẽ từ quá trình thải ra, thu gom, đến khâu đóng bao bì và tái sử dụng bán lại cho các hộ dân trong xã để trồng cây.
Ông Lê Văn Tiễn, Phó Chủ tịch UBND xã Giao An, cho biết xã Giao An có 3 mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng nhưng mô hình của gia đình bà Chính lớn nhất xã. Bà Chính là điển hình phát triển kinh tế. Trang trại của bà giải quyết việc làm cho 3 lao động trong gia đình và 5 lao động thời vụ khác.
"Nhu cầu của thị trường rất lớn. Nhiều thương lái đến xã mua trứng song các trang trại không đủ để cung ứng. Nhận thấy siêu lợi nhuận từ việc nuôi gà siêu trứng, UBND xã khuyến khích bà con chăn nuôi, phát triển kinh tế", ông Tiễn nói.
Ông Lê Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lang Chánh, cho biết toàn huyện có 47 hộ dân nuôi gà Ai Cập siêu trứng. Loại gà này được mệnh danh là "cỗ máy" siêu đẻ, rất dễ nuôi và cho lợi nhuận siêu khủng.
"Bình quân 1.000 con gà Ai Cập siêu trứng sau khi trừ hết kinh phí sẽ cho thu lãi 10 triệu đồng/tháng. Nếu cứ cái đà này, người nông dân ở huyện vùng cao chả mấy chốc mà thành triệu phú", ông Chuyên hồ hởi.
Theo ông Chuyên, bên cạnh người dân xuất bán cho thương lái, Hội nông dân đang đứng ra liên kết với doanh nghiệp ở trên địa bàn Thanh Hóa để bao tiêu giống, cung ứng thức ăn và thu mua sản phẩm cho bà con.
"Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ra các xã khác để người dân học tập, phát triển kinh tế. Từ đây hình thành nên vùng chuyên nuôi gà, giúp nông dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu", ông Chuyên bày tỏ.
Gà Ai Cập hay còn gọi là gà Fayoumi, là một giống gà có nguồn gốc từ vùng Ai Cập và được nhân giống từ lâu trong lịch sử. Đây là giống gà cao sản và cho năng suất cao về sản phẩm trứng gà. Ngay từ thời trước công nguyên, người Ai Cập đã nổi tiếng về việc nuôi gà để lấy trứng. Họ nuôi giống gà Fayoumi là giống có nguồn gốc từ thành phố Fayoum cổ đại của Ai Cập.