Nuôi cua kiểu gì mà bẫy lên toàn con to bự, bán 300.000 đồng/kg?

Sau thời gian triển khai mô hình nuôi cua biển, gần 40 thành viên của Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đều có lợi nhuận...

...Khởi đầu hiệu quả đã mang lại sự phấn khởi, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của các thành viên.

Chị em phụ nữ ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp vừa kết thúc vụ cua biển đầu tiên. Chị Lâm Thị Giàu rất phấn khởi khi thu về lợi nhuận gần 40 triệu đồng từ việc bán cua thương phẩm. Chị Giàu là một trong số những thành viên của Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp khởi nghiệp thành công với việc nuôi cua biển.

Nuôi cua kiểu gì mà bẫy lên toàn con to bự, bán 300.000 đồng/kg? - 1

Bà Hồ Thị Hai, thành viên của Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thu hoạch vụ cua biển đầu tiên. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chị Giàu bộc bạch: "Khi bắt tay vào nuôi cua, tôi thực hiện theo đúng sự hướng dẫn về kỹ thuật nuôi của đơn vị "đỡ đầu" - đó là Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp. Theo đó, phải cẩn trọng từ khâu xử lý nước trong ao, đo độ mặn của nước, chọn con giống... cho đến việc sử dụng thức ăn cho cua".

Với số lượng 1.500 con cua giống, chị Giàu chia đều cho 2 ao nuôi (mỗi ao diện tích 2.000m2). Khi cua đạt đến độ lớn vừa phải, chị tách những con cua cái có dấu hiệu lên gạch để chuyển qua một ao khác nuôi riêng. 

Theo giá cả thị trường, cua thịt có giá khoảng 200.000 đồng/kg (loại 3 - 4 con/kg), trong khi đó cua gạch có giá từ 300.000 đồng/kg trở lên. Do đó, phân loại ngay từ đầu đã giúp cho việc theo dõi, chăm sóc, tuyển bán dễ dàng hơn.

Cũng là thành viên nuôi cua đạt chất lượng, có thời gian thu hoạch sớm nhất trong tổ hợp tác, chị Phạm Thúy An vui mừng bày tỏ: "Ban đầu tôi cứ nghĩ việc nuôi cua sẽ gặp khó vì chỉ mới thử nghiệm. Tuy nhiên, nhờ nuôi đúng quy trình, chăm sóc kỹ lưỡng nên đàn cua lớn rất nhanh, chắc thịt nên các vựa thu mua rất ưng ý. 

Mặc dù có hao hụt ít đỉnh nhưng số lượng cua thu hoạch vượt hơn phân nửa số cua giống thả ban đầu, tỷ lệ như vậy xem như đạt. Ở vụ cua sắp tới, tôi sẽ lưu ý để cua đạt chất lượng, số lượng cao hơn nữa".

Nuôi cua kiểu gì mà bẫy lên toàn con to bự, bán 300.000 đồng/kg? - 2

Mô hình nuôi cua biển mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho các thành viên Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Ở xã Vĩnh Hiệp, gia đình bà Hồ Thị Hai chuyên nuôi tôm thẻ. Để có thêm thu nhập, bà Hai tham gia mô hình nuôi cua của tổ hợp tác phụ nữ. 

Được các thành viên chia sẻ, chỉ dẫn kỹ thuật nuôi, vụ nuôi cua đầu tiên của bà Hai cũng thu hoạch khá. Hiện nay, mỗi ngày bà Hai đều có cua bán lẻ hoặc bỏ mối cho các vựa hải sản, tạo nguồn thu mới cho gia đình.

Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp Lý Thị Ngọc Yến, tổ hợp tác thành lập vào tháng 7/2022, với 55 thành viên. Tổ hợp tác được thành lập với mục đích tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.

Theo kế hoạch thì 40 thành viên của tổ hợp tác sẽ thử nghiệm nuôi cua biển và dự kiến nuôi thả cá chốt sau vụ cua (các thành viên còn lại không đủ điều kiện nuôi cua đang thử nghiệm nuôi thủy sản khác). Thuận lợi ban đầu của các thành viên là được sự hỗ trợ từ Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). 

Theo đó ICAFIS sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng cho thành viên mua cua giống và WWF hỗ trợ 20 triệu cho kinh phí điều hành hoạt động tổ hợp tác, thông qua đại diện là Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng.

Thông tin về hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cua tổ hợp tác phụ nữ, đồng chí Trần Thị Diễm My - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hiệp chia sẻ: "Tổ hợp tác thành lập và lựa chọn mô hình nuôi cua biển là do nghề nuôi thủy sản vốn là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. 

Với lợi thế các ao thả có sẵn tại nhà, thành viên không phải bỏ vốn xây dựng ao nuôi, có thể tận dụng cá tự nhiên ở các ao tôm làm thức ăn cho cua, giảm được chi phí. Có thành viên trước đó đã từng nuôi thử nghiệm, từ hiểu biết ban đầu lại được các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật nuôi, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức nên càng thuận lợi".

Hiện tổng diện tích ao nuôi cua của tổ hợp tác phụ nữ xã là 125ha, trong đó, mỗi thành viên có ít nhất là 1 ao nuôi, diện tích 3.000m2. 

Mỗi vụ cua lúc thả con giống đến thu hoạch khoảng 4 tháng, sau khi trừ chi phí, các thành viên thu lợi từ trên 5 triệu đồng đến hơn 30 triệu đồng, không có thành viên nào bị thua lỗ. Có thể nói, thành công bước đầu của tổ hợp tác là điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể của chị em phụ nữ ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng).

Hiện các thành viên của tổ hợp tác này đang tìm hiểu thêm về các mô hình nuôi cá chốt, nuôi cá đối mục kết hợp nuôi tôm, các thành viên đang xem xét, mô hình nào khả thi sẽ triển khai thử nghiệm.

Theo Báo Sóc Trăng