1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Nuôi con vật "xấu bụng", anh nông dân rủng rỉnh tiền quanh năm

Ngô Linh

(Dân trí) - Nuôi thỏ, anh Lê Đình Khoa gặp không ít trắc trở do đây là con vật "xấu bụng", đường ruột yếu nên phải kỹ lưỡng; bù lại, thỏ đẻ quanh năm mang đến cho anh nguồn thu nhập ổn định.

Rời xứ người về quê lập nghiệp

Sau 5 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với nghề cơ khí, anh Lê Đình Khoa (39 tuổi, thôn Phú Phước, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) quyết định quay về quê hương để lập nghiệp từ năm 2015.

Nuôi con vật xấu bụng, anh nông dân rủng rỉnh tiền quanh năm - 1

Anh Lê Đình Khoa (39 tuổi) với mô hình nuôi thỏ lai (Ảnh: Ngô Linh).

Chia sẻ lý do trở về, anh Khoa tâm sự, dù thu nhập nơi xứ người khá cao, nhưng cuộc sống xa người thân khiến anh chạnh lòng. Sau khi tích góp một số vốn, anh lựa chọn khởi nghiệp tại quê nhà và xây dựng gia đình tại đây.

Ngay từ khi còn ở Hàn Quốc, anh Lê Đình Khoa đã lên kế hoạch cho việc hồi hương. Anh tỉ mỉ tìm hiểu và nhận thấy mô hình nuôi thỏ có triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về quê, anh đầu tư 150 triệu đồng bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua 50 con thỏ lai giống về nuôi.

Những ngày đầu chăn nuôi, đàn thỏ phát triển chậm, thỏ con sinh ra chết dần. Không nản lòng, anh Khoa tìm cách khắc phục khó khăn, học hỏi thêm kiến thức, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nuôi loài mắn đẻ, anh nông dân thu tiền rủng rỉnh quanh năm (Video: Ngô Linh).

"Nuôi thỏ tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là biết cách chẩn đoán bệnh. Thỏ là loài khó tính, dễ mắc các bệnh đầy hơi, chướng bụng. Nếu không theo dõi, phát hiện kịp thời thỏ sẽ chết rất nhanh", anh Khoa chia sẻ.

Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, anh Khoa cho hay, chuồng trại với diện tích 250m2 được anh xây dựng hoàn toàn khép kín, gồm hệ thống làm mát, quạt thông gió, máng ăn uống tự động… đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ sinh sản và phát triển. Chuồng thỏ phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Nuôi con vật xấu bụng, anh nông dân rủng rỉnh tiền quanh năm - 2

Hai trại nuôi thỏ của anh hiện có tổng đàn khoảng 2.000 con, trong đó 200 thỏ sinh sản (Ảnh: Ngô Linh).

Các dãy chuồng được bố trí cao hơn nền đất khoảng 1m để phân, nước tiểu và thức ăn thừa rơi xuống lớp đệm lót sinh học. Nhờ đó, chuồng trại luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế mầm bệnh phát sinh. Ngoài ra, phải thường xuyên tiêm vaccine phòng bệnh cho thỏ.

Thỏ "đẻ tiền" quanh năm

Để thỏ sinh sản đạt hiệu quả cao, anh Khoa chọn những con thỏ bố mẹ tinh nhanh, dài đòn, tai đứng, không lở loét da. Thỏ cái trưởng thành sau 5 tháng sẽ được giao phối. Thỏ là loài mắn đẻ, mỗi năm một con thỏ đẻ 8-9 lứa, mỗi lứa 5-6 con.

Hơn nữa, người nuôi cần nắm được thời điểm sinh sản, chăm sóc thỏ sau sinh. Chu kỳ mang thai của thỏ kéo dài 29-31 ngày, nếu thỏ mẹ mang thai đến ngày 32 thì cần kiểm tra để có biện pháp can thiệp.

Nuôi con vật xấu bụng, anh nông dân rủng rỉnh tiền quanh năm - 3

Thỏ là loài mắn đẻ, mỗi năm đẻ từ 8-9 lứa, mỗi lứa 5-6 con (Ảnh: Ngô Linh).

Khoảng 30-35 ngày tuổi, thỏ con có thể cai sữa. Giai đoạn này, người nuôi nên quyết định lấy giống hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm. Nếu nuôi thỏ thương phẩm, thời gian 3,5-4 tháng có thể xuất bán.

Hiện nay, trại thỏ Tuấn Anh của anh Khoa có tổng đàn 2.000 con, với 200 thỏ sinh sản. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi thỏ đem lại cho gia đình anh mức lãi khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Mỗi tháng, anh xuất chuồng khoảng 500 con thỏ các loại, thỏ thịt có giá 90-110.000 đồng/kg (2-2,2kg/con), thỏ nuôi cảnh 80.000/con tùy kích cỡ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng.

Thức ăn của thỏ khá phổ biến, chủ yếu là các loại rau, củ, quả và cám viên chỉ dành riêng cho thỏ. Nhờ thành phần thức ăn chứa nhiều chất xơ nên hệ tiêu hóa thỏ hoạt động tốt, phát triển khỏe mạnh, thịt thơm ngon hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Khoa cho hay, mỗi khi cho thỏ ăn cũng là lúc anh theo dõi, quan sát, đánh giá tình trạng phát triển để xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra. Con thỏ khỏe mạnh khi thấy thức ăn nó sẽ nhảy lên, mừng rỡ, ăn mạnh và sạch thức ăn trong máng; còn thỏ nếu kém ăn, mệt mỏi thì tách đàn để chăm sóc riêng.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Khoa luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ cho thanh niên, bà con nông dân nếu cần. Đặc biệt, anh Khoa sẽ bao tiêu đầu ra khoảng 1 năm đầu chăn nuôi, để người dân có thể yên tâm khởi nghiệp.