1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mục sở thị cách làm ông Công, ông Táo cực đơn giản

Ngô Linh

(Dân trí) - Làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) có tuổi đời hơn 500 năm, là nơi cho ra đời hàng nghìn tượng ông Công, ông Táo phục vụ cho Tết Nguyên đán hàng năm.

Theo quan niệm của người dân, vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều người dân đều cúng tiễn Táo quân về trời. Cùng với đó, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn và đầy đủ. Nhu cầu sử dụng tượng Táo quân vì thế cũng tăng cao.

Nan-tuong-ong-cong-o-lang-gom-thanh-ha_congbinh 1

Tượng ông Công ông Táo vừa được lấy từ khuôn ra, chuẩn bị mang đi phơi nắng cho khô (Ảnh: Ngô Linh).

Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo bằng đất sét ở Hội An đã có từ hơn 100 năm trước. Trước đây, nghề thu hút nhiều lao động; sau này, do giá thành quá rẻ so với công sức bỏ ra nên hiện chỉ còn 2 hộ dân ở làng gốm Thanh Hà vẫn giữ nghề.

Đầu tháng Chạp, cơ sở sản xuất tượng ông Công ông Táo của gia đình bà Nguyễn Thị Chua đỏ lửa để phục vụ cho những đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, gia đình bà sản xuất khoảng 30.000 tượng để cung ứng ra thị trường.

Nặn tượng Táo quân (Video: Ngô Linh).

Bà Chua cho biết, để làm ra một tượng Táo quân đẹp mắt và chất lượng, người thợ phải thật tỉ mỉ trong từng khâu như việc nhồi đất, cho đất vào khuôn phải đều tay; phơi khô phải đủ nắng hoặc sấy, nung tượng phải đủ lửa. Sau khi tượng Táo quân nung xong phải để ít nhất 2 ngày mới có thể phun lên tượng một lớp màu.

Bà Chua kế thừa nghề làm tượng Táo quân của gia đình chồng. Đến đời bà, nghề đã được truyền qua 3 thế hệ với tuổi đời hơn 100 năm. Sau khi chồng qua đời, bà cũng giảm số lượng tượng Táo quân bởi thu nhập thấp nên khó tìm nhân công.

Nan-tuong-ong-cong-o-lang-gom-thanh-ha_congbinh 2

Sau khi phơi và nung xong, tượng Táo quân có màu vàng cam (Ảnh: Ngô Linh).

"Tôi cũng định bỏ nghề rồi nhưng lại tiếc, lại làm để giữ nghề truyền thống gia đình. Cận Tết, nắng mưa thất thường nên việc phơi tượng gặp khó khăn. Tượng được phun sơn xong sẽ đóng gói để thương lái chở đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành", bà Chua chia sẻ.

Tại cơ sở của gia đình bà Dương Thị Ca (làng gốm Thanh Hà), những ngày cuối năm, 2 vợ chồng bà tất bật nặn tượng, tò he, các sản phẩm từ đất sét… để phục vụ khách du lịch.

Nan-tuong-ong-cong-o-lang-gom-thanh-ha_congbinh 3

Để tượng có màu bắt mắt hơn, người thợ phun một lớp màu (Ảnh: Ngô Linh).

Bà Ca cho hay, các năm trước, bà chuẩn bị 10.000 tượng Táo quân để cung ứng thị trường, nhưng năm nay giảm còn một nửa.

"Mỗi ngày du khách đến tham quan làng gốm rất đông, chúng tôi đón tiếp không xuể nên chỉ làm ít tượng Táo quân để giữ mối bạn hàng. Từ sau khi du lịch phục hồi, làng gốm cũng nhộn nhịp trở lại", bà Ca nói.

Nằm bên bờ sông Thu Bồn, hàng ngày làng gốm Thanh Hà nhộn nhịp thuyền, xe; trên bến dưới sông, tiếng nói cười rộn rã. Từng đoàn xe chở khách nối đuôi nhau ra, vào làng.

Nan-tuong-ong-cong-o-lang-gom-thanh-ha_congbinh 4

Sau khi hoàn thành, tượng Táo quân được xuất bán khắp các tỉnh, thành. Mỗi tượng Táo quân được bán sỉ với giá chỉ 2.000 đồng (Ảnh: Ngô Linh).

Sau đại dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan làng gốm gia tăng trở lại. Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 550.000 lượt (doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng), tăng hơn 317% so với cùng kỳ năm 2022.

Làng gốm Thanh Hà trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước.