1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh

Ngô Linh

(Dân trí) - Đang là viên chức nhà nước, chị Diệp Thị Thảo Trang bỏ việc, rời phố về quê với ước mơ biến mảnh đất cát trắng nắng bỏng thành nơi thực hành nghề dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp sạch.

Trồng rau doanh thu 80 triệu đồng/tháng

Chị Diệp Thị Thảo Trang (30 tuổi, ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng có công việc ổn định tại TP Đà Nẵng trước khi rời phố biển về Quảng Nam dấn thân làm nông nghiệp.

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh - 1

Nữ thạc sĩ 9X về quê làm nông nghiệp sạch, du lịch xanh (Ảnh: Ngô Linh).

Có người nói rằng đó là quyết định liều lĩnh cho một người phụ nữ, nhưng đối với chị, quyết định ấy đã mở ra nhiều điều mới mẻ trong cuộc đời và hơn cả đã giúp chị thực hiện được đam mê của bản thân.

Chia sẻ về bước ngoặt lớn này, chị Trang tâm sự, người truyền cảm hứng và động lực lớn nhất cho chị là chồng, anh Nguyễn Quốc Tuấn. Năm 2017, anh Tuấn, khi ấy đang công tác tại một đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Nam, cảm thấy không còn thích hợp với công việc đang làm nên quyết định chuyển hướng.

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh - 2

Cây được ươm và trồng trên giá thể là miếng mút trắng để dễ vệ sinh, tránh được nhiều loại vi khuẩn (Ảnh: Ngô Linh).

Khá hứng thú với nông nghiệp công nghệ cao (CNC), anh Tuấn đến Lâm Đồng để tìm hiểu và học hỏi, sau đó về làm cho một doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng về lĩnh vực nông nghiệp.

Hai năm sau, anh Tuấn thành lập công ty riêng chuyên về tư vấn, thi công hệ thống trồng rau sạch quy mô trang trại và hộ gia đình đồng thời, cung cấp thực phẩm sạch.

Từ bước đệm của chồng, năm 2021, chị Trang tiếp tục đưa ra quyết định táo bạo, về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch.

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh - 3

Trọng lượng miếng mút gần như bằng không, nên khi đưa đi tiêu thụ không cần cắt bỏ, miếng mút sẽ giúp giữ rau tươi hơn vì còn lưu giữ chất dinh dưỡng (Ảnh: Ngô Linh).

Lúc này, cùng làm với hai vợ chồng chị Trang còn có thêm những người bạn là kỹ sư nông nghiệp cùng chí hướng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao huyện Thăng Bình vào tháng 11/2021. 

"Từ những thành công của chồng, tôi nhận thấy mảng thị trường rau sạch, rau hữu cơ rất có tiềm năng nên quyết định theo đuổi. Đó cũng là cơ hội cho tôi thỏa mãn đam mê từ lâu với nông nghiệp. Kinh nghiệm của tôi là mình làm gì cũng nên có định hướng rõ ràng, đi từng bước, chậm mà chắc", chị Trang bộc bạch.

Với diện tích 3.000m2, HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình sử dụng 400m2 để trồng rau quả thủy canh, diện tích còn lại trồng rau quả hữu cơ và hoa. Tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên nền tảng ứng dụng các giải pháp công nghệ cao giúp tăng năng suất trong trồng trọt.

"Tổng kết một năm qua, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã thu hoạch được 50kg rau quả, doanh thu mỗi tháng đạt 80 triệu đồng, trong đó gần 30 triệu đồng là tiền lãi", chị Trang nói.

Nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm

HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình cũng mở thêm lối phát triển khi gắn với du lịch trải nghiệm, thu hút nhiều người đến tham quan mô hình trồng rau quả thủy canh, hữu cơ.

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh - 4

Với diện tích 3.000m2, hợp tác xã dành 400m2 trồng rau quả thủy canh, diện tích còn lại trồng rau quả hữu cơ và hoa (Ảnh: Ngô Linh).

Cụ thể là tổ chức các chuyến tham quan cho trường học, giúp các học sinh có cơ hội nhìn và trực tiếp trải nghiệm quy trình trồng cây, chăm sóc và thu hoạch, từ đó áp dụng vào các bài học lý thuyết trên lớp.

Từ khi thành lập cho đến nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao đã đón tiếp hơn 2.500 lượt khách tham gia trải nghiệm.

"Góp phần thực hiện chiến lược du lịch của địa phương là Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh, HTX mong muốn phát triển mạnh hơn về du lịch trải nghiệm để lan tỏa tinh thần sống xanh", chị Trang chia sẻ.

Nói về định hướng sắp tới, chị Trang cho biết, năm 2023, HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn, nhằm chuyển giao quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, cung cấp giống, phân.

Nữ thạc sĩ bỏ việc nhà nước về quê trồng rau sạch, làm du lịch xanh - 5

HTX hướng tới làm nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm (Ảnh: Ngô Linh).

Đồng thời, HTX bao tiêu đầu ra cho người dân, giúp giải quyết bài toán "được mùa mất giá", tạo nguồn thu nhập ổn định với người trồng, qua đó góp phần thay đổi tư duy về làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cho nông dân.

Đến nay, HTX đã hình thành được kênh phân phối sỉ và lẻ các mặt hàng rau, củ, quả, phân phối đến các siêu thị thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn, khu resort, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thăng Bình cho hay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình cũng là một trong 7 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được công nhận và đánh giá rất cao của năm 2022.

"Điều mà chúng tôi tâm đắc đối với mô hình của chị Trang là hướng đến du lịch trải nghiệm, môi trường xanh. Đồng hành cùng chị Trang, Hội liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tìm hướng kết nối, hỗ trợ để sản phẩm của chị được lan tỏa, tiêu thụ mạnh hơn", bà Trần Thị Thu Nguyệt bày tỏ.