Người dân đổ xô đi nhặt "lộc trời" sau mưa lũ hậu bão Noru
(Dân trí) - Sau những ngày mưa lũ do hoàn lưu bão Noru, sóng biển mạnh khiến một lượng lớn sò lông bị đánh dạt vào bờ. Người dân ở Hà Tĩnh tranh thủ rủ nhau đi nhặt "lộc trời".
Khu vực có nhiều sò lông dạt bờ là bãi biển xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Dọc theo bờ biển dài khoảng 1km, hàng trăm người dân, từ thanh niên tới người già và cả trẻ em với đủ dụng cụ như cào tre, giỏ nhựa, rổ, túi lưới, bao tải… tất bật gom nhặt sò.
Chị Nguyễn Thị Lan (xã Thịnh Lộc) cho biết, sò trôi dạt vào bờ biển không phải là hiện tượng lạ. Thường lệ, cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, mỗi khi biển động, sò lông thường bị sóng cuốn vào bờ.
Năm nay, số lượng sò dạt vào rất nhiều nên người dân kéo nhau đi hốt "lộc trời" để bán, kiếm thêm thu nhập.
"2 ngày nay, từ sáng sớm đến chiều, chúng tôi cùng ra biển để nhặt sò lông. Trung bình mỗi ngày một người nhặt được khoảng 30-40kg. Có người nhặt sò để ăn, có người thì bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg", chị Lan cho biết.
Gia đình anh Trần Văn Tùng huy động 5 thành viên đưa xô, chậu, vợt ra bãi biển để nhặt "lộc biển". Hai ngày nay, gia đình anh nhặt được khoảng 2 tạ sò lông. Sau khi rửa sạch, anh đã bán cho các thương lái và các nhà hàng, thu về gần 2 triệu đồng.
"Hiện tượng sò bị sóng đánh dạt vào bờ chỉ diễn ra vài ngày thôi, nên ai cũng tranh thủ. Trước tôi đi biển, vất vả, nguy hiểm nhưng một ngày cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Công việc này đơn giản hơn nhiều nên chúng tôi tranh thủ tối đa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống", anh Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết, hiện tượng sò lông bị sóng đánh dạt vào bờ hầu như năm nào cũng diễn ra, thường chỉ kéo dài từ một đến 3 ngày.
"Con sò sống ở gần bờ nên khi sóng biển lớn thường bị đánh dạt vào. Năm nay, người dân ở xã chúng tôi đã gom nhặt được khoảng 10 tấn sò lông. Sò lông có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như hấp, xào…", ông Phong cho biết thêm.