1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nữ lao động kêu cứu từ Ả rập xê út: Thanh tra đột xuất Công ty Petromanning!

(Dân trí) - Liên quan tới loạt bài nữ lao động kêu cứu từ Ả rập xê út trên Báo Dân trí, ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo cơ quan chức năng thanh tra đột xuất công ty Petromaning về các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Cạn) đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp các thông tin về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Cạn) đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp các thông tin về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chiều 28/2, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng đã ban hành quyết định số 63/QĐ-TTr về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực và Dịch vụ dầu khí Việt Nam, viết tắt là Petromaning.

Nội dung quyết định nêu rõ thời kỳ thanh tra các nội dung trên tại Công ty Petromaning sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm thanh tra. Đoàn thanh tra bao gồm đại diện của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Theo quyết định 63/QĐ-TTr, đoàn thanh tra có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại doanh nghiệp; phát hiện những vi phạm cần chấn chỉnh đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện các biện pháp xử lý những vi phạm pháp luật, đồng thời có kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách.

Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi có những phát hiện mới trong loạt bài nữ lao động kêu cứu từ Ả rập xê út khởi đăng trên Báo Dân trí, Bộ đã tạm dừng hoạt động dịch vụ đưa lao động tham gia công tác XKLĐ của Công ty Petromaning và yêu cầu cơ quan chức năng thanh tra đột xuất Cty Petromaning.

“Bộ LĐ-TB&XH luôn ủng hộ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng hoạt động để phát triển thị trường, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có hành vi sai trái và vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm để làm gương” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những thông tin có tính phát hiện của Báo Dân trí trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động từ loạt bài trên. "Thông qua sự phát hiện của báo chí, Bộ LĐ-TB&XH có thông tin nhiều chiều để từ đó chấn chỉnh và làm tốt hơn công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động".

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tình hình xuất khẩu lao động năm 2016 có nhiều điểm sáng: Số lao động được các doanh nghiệp XKLĐ đưa đi đã vượt con số 126.000 người - đây là số liệu cao nhất trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ký lại Bản thỏa thuận bình thường trong việc đưa lao động VN sang thị trường Hàn Quốc, bên cạnh đó nhiều thoả thuận về tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được ký kết…

“Kết quả trên thể hiện những nỗ lực của toàn ngành LĐ-TB&XH trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi luôn thẳng thắn đối diện với những tồn tại hoặc phát sinh để từ đó có hướng giải quyết trong thời gian tới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Bộ LĐ-TB&XH đang lập danh sách 5 công ty xuất khẩu lao động có nhiều vấn đề nổi cộm và bị báo chí phản ánh để tiến hành thanh tra trong quý 1/2017. Nội dung thanh tra sẽ bao gồm việc ký kết hợp đồng với người lao động, mức phí môi giới, trách nhiệm xử lý phát sinh…

Đầu tháng 3/2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức Hội nghị về lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đây sẽ là dịp để Bộ lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp XKLĐ cũng như tăng cường các giải pháp làm lành mạnh hoá thị trường XKLĐ.

Hoàng Mạnh - Anh Thế