Quảng Nam:

Nông dân "đội mưa" xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết

Hoài Sơn

(Dân trí) - Những ngày này, bà con nông dân ở các xã của huyện Núi Thành, Quảng Nam đang tất bật xuống giống theo lịch trồng hoa Tết 2022, mặc cho mưa kéo dài có thể gây ngập úng.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 1

Nông dân ở xã Tam Xuân 1 "đội mưa" xuống giống hoa cúc đất để phục vụ Tết Nguyên đán.

Vừa trồng vừa "ngó trời"

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam, những ngày qua có hàng chục hộ nông dân đang tất bật trồng hoa cúc đất, hoa màu... Đây là những loại hoa để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vào dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 2

Nông dân vừa trồng hoa vừa thấp thỏm lo thời tiết thất thường có thể làm hư hại hoa Tết.

Bà Lê Thị Hà (65 tuổi, ở thôn Khương Mỹ) cho biết, gia đình vừa xuống giống hoa cúc Tết hôm 14/11 dương lịch. Do dịch bệnh và mưa thất thường nên năm nay gia đình bà chỉ xuống giống 7.000 cây hoa cúc chuẩn bị bán mùa Tết.

Đây là lần thứ 2 trong năm, gia đình bà xuống giống trồng hoa cúc. Đợt mưa lũ mới đây đã khiến gia đình bà gần như mất trắng vườn cúc ươm trong chậu đất.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 3

Mặc dù trời mưa nhưng muốn hoa cúc ra đúng dịp Tết Nhâm Dần 2022 thì phải xuống giống từ hôm nay.

"Để có hoa phục vụ tết, gia đình tôi đã gieo giống vụ mới với hy vọng thời tiết thuận lợi hơn, kèm theo dịch bệnh ổn định để gia đình có thêm thu nhập mà đón tết cổ truyền đang cận kề và bù lại được chi phí thiệt hại do mưa lũ", bà Hà chia sẻ.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 4

Thông thường cây hoa cúc đất mất khoảng 3 tháng trồng sẽ ra hoa và thu hoạch được.

Cách đó không xa, vựa hoa của gia đình bà Lê Thị Bông (60 tuổi) cũng vừa xuống giống cây con với nỗi lo mưa lớn sẽ gây ngập nước, làm hư hại cây.

Theo bà Bông, thông thường cây hoa cúc đất sau khoảng 3 tháng trồng là sẽ ra hoa và cho thu hoạch. Dù trời mưa nhưng muốn trồng hoa cúc ra đúng dịp Tết Nhâm Dần 2022, bà Bông vẫn phải xuống giống từ hôm nay.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 5

Nếu trời mưa quá to và kéo dài, gây ngập úng thì hoa rất dễ bị nấm lá và thối rễ.

Bên cạnh đó, cúc là cây ưa ánh sáng ở mức trung bình, không quá gay gắt và độ ẩm cũng ở mức vừa phải. Nhưng nếu trời mưa quá to và kéo dài, gây ngập úng, cây rất dễ bị nấm lá và thối rễ.

Để hạn chế đất bắn lên lá gây nấm lá, nông dân thường dùng bạt phủ mặt đất hoặc rải rơm trên bề mặt đất sau đó mới cấy hoa giống.

Nhà vườn vừa xuống giống hoa Tết vừa thấp thỏm lo mưa lũ

"Năm nay tôi dự tính sẽ trồng 3.000 cây hoa cúc để phục vụ cho Tết Nguyên đán. Nhưng hôm nay tôi chỉ dám cấy 1.500 cây vì còn "ngóng" trời xem có mưa to gây ngập hay không, sau đó mới tính tiếp được. Mong vài ngày tới mưa sẽ giảm để tôi tiếp tục trồng số hoa còn lại cho kịp Tết", bà Bông nói.

"Treo đất" hoặc giảm diện tích trồng

Theo nhiều hộ trồng hoa, so với những năm trước đây, năm nay, đa số các hộ dân trồng hoa đều gặp nhiều khó khăn do thời tiết quá khắc nghiệt. Nhiều hộ đành bỏ dở vụ hoa tết, không tiếp tục trồng mới vì sợ không có đầu ra.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 6

Để hạn chế đất bắn lên lá gây nấm lá, nông dân thường rải rơm trên mặt đất, sau đó mới cấy hoa giống.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến tâm lý người trồng hoa bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân còn chủ động trồng ít hoa so với mọi năm.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 7

Một số hộ dân dùng bạt bọc đất để hạn chế cỏ mọc và hạn chế đất bắn lên cây hoa.

Anh Trần Quốc Tiến (39 tuổi) cho biết, mọi năm gia đình anh trồng gần 9.000 cây hoa cúc đất để phục vụ Tết và những ngày sau Tết. Mỗi năm, từ việc bán hoa cúc, gia đình anh lãi hơn 20 triệu đồng. Nếu tính trồng lúa thì trồng hoa bán Tết, anh lãi gấp 3-4 lần.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 8

Trước khi trồng, người dân dùng phân để tăng chất dinh dưỡng trong đất và giúp cây con chống chịu tốt hơn.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cộng thêm thời tiết thất thường, mưa lũ không đoán trước được nên gia đình anh chỉ trồng 7.000 cây để bán tết.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 9

Lo sợ dịch bệnh và thời tiết, bà Lê Thị Hà (65 tuổi) chỉ dám xuống giống 7.000 cây hoa cúc để phục vụ Tết.

"Năm nay tôi trồng ít vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường. Từ giờ đến cuối năm tôi chỉ mong mọi việc được suôn sẻ, thời tiết thuận lợi để gia đình có một cái tết đầm ấm hơn", anh Tiến tâm sự.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 10

Năm nay đa số các hộ dân trồng hoa đều gặp nhiều khó khăn do thời tiết quá khắc nghiệt.

Ông Nguyễn Văn Hà (52 tuổi) cho biết, năm nay gia đình ông quyết định "treo đất" không trồng hoa Tết vì lo ngại dịch bệnh khiến thị trường không bán được như mọi năm.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 11

Bà Lê Thị Bông (60 tuổi) chỉ dám cấy 1.500 cây vì lo sợ trời mưa to sẽ gây ngập làm hư hại cây giống.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 12

Dịch bệnh cũng khiến tâm lý người trồng hoa bị ảnh hưởng, nhiều hộ chủ động trồng ít hoa so với mọi năm.

Ngoài ra người trồng hoa năm nay gặp thách thức lớn do diễn biến bất thường trong mùa mưa, vừa có lũ, lại mưa lớn nhiều ngày nên từ đầu vụ, không chỉ gia đình ông không sản xuất hoa Tết mà hầu hết người trồng hoa đều giảm số lượng đáng kể.

Nông dân đội mưa xuống giống hoa, vừa trồng vừa lo lụt, mất Tết - 13

Chưa nắm được thị trường vào dịp cuối năm nên người nông dân vẫn còn dè dặt khi xuống giống hoa cúc.

"Mọi năm gia đình tôi trồng 2.000 cây hoa cúc đất để phục vụ cho Tết. Nhưng năm nay vì chưa nắm được thị trường vào dịp cuối năm và không có người bán nên tôi không dám sản xuất hoa. Còn về thời tiết, tuy năm nay mưa nắng thất thường nhưng người có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm sẽ biết cách chăm sóc để hoa cúc phát triển tốt", ông Hà cho hay.