1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ

Ngô Linh

(Dân trí) - Xã Bình Trị, huyện Thăng Bình được xem là vùng trồng nấm rơm lớn nhất Quảng Nam với hơn 150 hộ làm nghề. Nhờ tận dụng tốt nguồn rơm rạ tại chỗ, nông dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo.

Biến rơm thành tiền

Từ chỗ là nguồn chất đốt, thức ăn cho gia súc, rơm rạ dần bị đào thải trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, khuyến cáo rơm đốt đồng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khiến môi trường bị ô nhiễm.

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ - 1

Công đoạn đầu tiên của việc trồng nấm rơm là rửa rơm qua nước, việc này giúp rơm ẩm, ủ nhanh mục (Ảnh: Ngô Linh).

Còn đối với người dân xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), họ không nghĩ như vậy. Rơm rạ là nguyên liệu thật sự có giá trị, nếu biết tận dụng sẽ tạo ra nguồn lợi đáng kể sau lúa gạo.

Đến xã Bình Trị, không quá khó để tìm gặp những trại nấm nằm khuất giữa vườn tược. Ông Thái Tấn Dũng (54 tuổi, thôn Việt Sơn) luôn tay di chuyển những bánh rơm đã được đóng gói hoàn thiện đưa vào trại nấm, chuẩn bị cho đợt nấm kế tiếp. Từ nghề nông, ông chuyển sang trồng nấm rơm gần 10 năm nay.

Cả làng thoát nghèo với nghề trồng nấm rơm (Video: Ngô Linh).

Theo ông Dũng, với mỗi đợt trồng nấm (15 ngày), ông dùng khoảng 3.000 bánh rơm. Công đóng bánh phải thuê, với giá 500.000 đồng/1.000 bánh, khoán theo sản phẩm.

Trồng nấm rơm, ông Dũng canh ngày giờ để bỏ giống, tính toán sao cho nấm ra đúng đợt ngày rằm, hoặc mùng Một âm lịch. Nấm thu hoạch trúng những ngày đó sẽ được giá hơn, dễ tiêu thụ.

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ - 2

Rơm được đóng thành bánh, sau khi ủ khoảng 10 ngày (Ảnh: Ngô Linh).

"Nấm rơm chưa phải đem bỏ bao giờ, chỉ có giá cả lên xuống tùy theo trúng hay trật mùa. Với mức giá 50.000-200.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng gia đình tôi lãi khoảng 15-20 triệu đồng, cao hơn làm nông trước kia nhiều", ông Dũng chia sẻ.

Lão nông Phan Văn Hùng (thôn Châu Lâm, xã Bình Trị) cũng đang tất tả đưa nấm vào trại, ông Hùng cho biết, người dân sản xuất và thu hoạch nấm quanh năm, nghề này chủ yếu phải thức khuya dậy sớm để sửa soạn, canh thời gian thu hái.

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ - 3

Bánh rơm được bọc trong bao nilon cùng với phôi nấm, ủ trong 10 ngày (Ảnh: Ngô Linh).

Với 2 trại nấm, hộ ông Hùng sản xuất khoảng 2.000 bánh rơm; sau khi trừ chi phí, lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.

"Làm nấm rơm rất vất vả, để có được cây nấm phải trải qua nhiều công đoạn. Có những đợt nấm không ra nhiều hoặc giá bán ra thấp thì không có lãi lớn. Ngoài thời tiết, meo nấm (phôi nấm) chính là yếu tố quyết định chất lượng nấm rơm", ông Hùng nói.

Thoát nghèo nhờ cây nấm

Với người dân xã Bình Trị, nghề trồng nấm rơm đã giúp những nông dân "chân lấm tay bùn" vươn lên thoát nghèo, nuôi con cái ăn học. Nhiều người trồng nấm nói chắc nịch rằng ở đây, không nghề nào thu nhập cao như nghề này.

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ - 4

Nghề trồng nấm rơm tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương (Ảnh: Ngô Linh).

Gia đình bà Nguyễn Thị Cảnh (thôn Việt Sơn) là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nghề trồng nấm rơm. Bà Cảnh kể lại, hơn 15 năm trước, cuộc sống gia đình bà còn khó khăn, ăn bữa nay lo bữa mai. Khi trong xã có người trồng nấm thành công, gia đình bà cũng đến học hỏi với hy vọng đổi đời.

"Nói thật, nếu không nhờ trồng nấm, gia đình tôi cũng chẳng khá lên nổi. Được chính quyền tạo điều kiện, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư và đã thành công. Nếu nói làm giàu thì trong thôn cũng có vài người, còn lại đủ ăn, thoát được cảnh nghèo khó là sung sướng rồi", bà Cảnh bộc bạch.

Hiện nay, mỗi tháng, gia đình bà Cảnh trồng 2 đợt nấm, mỗi đợt khoảng 2.000 bánh rơm, sau khi trừ chi phí, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Nông dân đổi đời nhờ... rơm rạ - 5

Nấm rơm tại xã Bình Trị có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Nghề trồng nấm đã giúp nông dân nơi đây vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Ngô Linh).

Các trang trại trồng nấm thu hút nhiều lao động ở địa phương. Bà Trần Thị Cúc, người làm công cho chủ trại nấm, cho biết mỗi ngày làm việc, bà được trả công 300.000 đồng. "Từ ngày nghề trồng nấm ở địa phương nhân rộng, tôi có việc làm thường xuyên", bà Cúc chia sẻ.

Ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch xã Bình Trị - cho biết nghề trồng nấm được hình thành ở xã 15 năm nay. Ban đầu chỉ một hộ nhưng sau đó cây nấm đem lại hiệu quả kinh tế, mọi người bắt đầu học hỏi nhân rộng.

"Toàn xã trên 150 hộ sản xuất nấm rơm, mỗi năm bà con thu mua hơn 1.000ha rơm ở Quảng Nam, giải quyết được một phần phế thải rơm rạ. Nông dân vì thế không phải đốt tại ruộng, làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn thu cho người trồng lúa", Chủ tịch xã Bình Trị cho hay.

Theo ông Mãnh, Bình Trị là xã trung du, đất trồng lúa chỉ hơn 300ha, chủ yếu nhờ nước trời nên năng suất không cao. Với nghề trồng nấm rơm, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dân có thể thu về 10-15 triệu đồng, nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá.