Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa

Đặng Dương

(Dân trí) - Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lớn của tỉnh Đắk Nông, nhưng nhờ sản xuất lúa gạo đặc sản, nhiều hộ dân xã Buôn Chóah đã đổi đời, làm thay đổi bộ mặt của mảnh đất nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang.

Thoát nghèo nhờ trồng lúa

Nhiều năm qua, nông dân xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô) đã trồng thành công giống lúa cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới - lúa ST25. Giống lúa đã mang lại bước ngoặt lớn cho hoạt động sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương.

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 1

Xã Buôn Chóah trở thành địa phương sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh Đắk Nông.

Anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh) là một trong những hộ dân đi đầu trong việc đưa giống lúa ST25 vào sản xuất. Vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2021, anh Sỹ xuống giống hơn 3,6 ha và thu về hơn 80 tấn lúa ST25.

Chỉ vài năm trở về trước, gia đình anh Sỹ thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình anh đặc biệt khó khăn khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế phần lớn phụ thuộc vào mấy sào lúa nước.

Việc giống lúa ST24, sau này là ST25 từng bước "bám rễ" ở mảnh đất Buôn Chóah đã giúp anh Sỹ và nhiều hộ dân khác thoát nghèo.

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 2

Người dân từng bước thoát nghèo nhờ sản xuất lúa gạo đặc sản.

"Trước đây, bà con sản xuất 2 vụ lúa. Giống lúa kém năng suất lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt nên quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn không đủ sống. Sau này, nhờ dồn điền đổi thửa, đưa giống lúa mới về trồng, đời sống của các hộ dân đã thay đổi từng ngày. Có nhà mỗi năm còn thu hoạch được cả trăm tấn lúa đặc sản", anh Sỹ chia sẻ.

Tự hào khoe về thành quả ruộng lúa của gia đình những năm gần đây, anh Sỹ cho biết, không những có đủ tiền để chữa trị bệnh cho con mà cả nhà còn có thêm khoản tiền đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Không chỉ là máy cày, máy gieo sạ, anh Sỹ còn mua được chiếc máy gặt đập trị giá hơn 200 triệu đồng chỉ sau 3 năm trồng giống lúa ST 25.

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 3

Những năm gần đây, các hộ dân trong xã đều áp dụng các quy trình về sản xuất lúa VietGAP

Cũng trồng thành công giống lúa ST25, ông Dương Văn Lực (thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah) vui mừng cho biết, những năm gần đây, ông và các hộ dân trong xã áp dụng các quy trình về sản xuất lúa VietGAP. Sản phẩm lúa gạo các dòng ST24, ST25 của bà con Buôn Chóah nhờ đó mà có thương hiệu, vươn tầm thế giới.

"So với trồng hoa màu hoặc cây công nghiệp, sản xuất lúa gạo thuận lợi và tốn ít công hơn. Trung bình, một tấn lúa tươi có giá 6,8 -7,5 triệu đồng. Với mức giá này, bà con nông dân thu về 88,4 triệu đồng/ha lúa, trừ chi phí thì lãi khoảng 45 triệu đồng/ ha. Đây là mức lãi cao nhất cho người trồng lúa có được từ trước đến nay", ông Lực nói.

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 4

Mỗi vụ xã Buôn Chóah gieo trồng hơn 700 ha lúa.

Thương hiệu lúa núi lửa

Buôn Choáh từng là vùng đất chiêm trũng, nằm nép mình bên dòng sông Krông Nô - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Vùng đất của núi lửa Nâm Blang vốn khắc nghiệt, mưa thì ngập lụt, mùa khô thì bỏng rát, thiếu nước. Chính vì thế, đã có thời gian, Buôn Chóah bị "cô lập" so với sự phát triển của các địa phương khác.

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 5

Đã có thời gian, Buôn Chóah bị "cô lập" trong sự phát triển của các địa phương khác (Ảnh: K'rắk).

Cuộc sống của người dân xã Buôn Chóah chỉ thay đổi khi đưa vào gieo trồng các giống lúa mới, trong đó có ST24 và ST25.

Đến nay, mỗi vụ, xã Buôn Chóah gieo trồng hơn 700 ha lúa, trở thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông và là một trong những vùng chuyên canh lúa nước lớn nhất Tây Nguyên.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, hiện xã Buôn Chóah đã xây dựng được nhãn hiệu "Lúa gạo Buôn Chóah" gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Trên địa bàn xã hiện có 2 hợp tác xã trồng lúa đang hoạt động hiệu quả, sản phẩm lúa gạo đều đạt các chứng nhận OCOP (sản phẩm thế mạnh của địa phương).

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 6

So với mặt bằng các tỉnh Tây Nguyên, năng suất và chất lượng lúa của Buôn Chóah cao hơn hẳn (Ảnh: K'rắk).

Nhờ cây lúa mà nông dân địa phương ngày càng no ấm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bà con bây giờ đã có thể sống tốt với cây lúa, thậm chí có thể làm giàu từ sản xuất lúa.

"So với mặt bằng các tỉnh Tây Nguyên, năng suất và chất lượng lúa của Buôn Chóah cao hơn hẳn, thậm chí cao hơn một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sản xuất lúa gạo lớn của cả nước.

Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông, công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Đây là những tiền đề quan trọng để "chắp cánh" cho nhãn hiệu "lúa gạo Buôn Chóah" đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

Nông dân đổi đời nhờ giống gạo ngon nhất thế giới trồng dưới chân núi lửa - 7

Nhiều hộ dân xã Buôn Chóah đã đổi đời nhờ lúa nước, làm thay đổi bộ mặt của mảnh đất nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang.

"Với những lợi thế sẵn có về vùng đất của núi lửa trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, bà con nông dân tiếp cận được nhiều tiến bộ của khoa học, giúp người dân chủ động hơn trong canh tác, sản xuất. Trong tương lai, lúa gạo Buôn Chóah sẽ được nâng tầm", ông Doãn Gia Lộc tự tin chia sẻ.