Thanh Hóa:

Nông dân "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre

Bình Minh

(Dân trí) - Từ cây tre, anh Thành đã chế được nhiều món hàng gia dụng bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Lê Văn Thành (SN 1983, xã Thượng Ninh, huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa) từ nhỏ đã được xem ông, bố lên rừng chặt tre, luồng về làm các vật dụng để cả gia đình sử dụng khiến anh rất thích thú. Lớn lên, anh tò mò tìm cách học, làm theo. Nhiều người khi đến chơi rất thích thú với những món đồ do anh làm ra nên anh Thành có ý tưởng biến tre, luồng thành những sản phẩm bán ra thị trường.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre - 1

Từ cây tre, anh Thành đã làm ra những sản phẩm được khách hàng ưa thích.

Nghĩ là làm, năm 2006, anh Thành quyết định vay tiền mở cơ sở chế biến các sản phẩm từ mây tre đan trên chính quê hương mình. Ban đầu khởi nghiệp, anh đã gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, máy móc, các sản phẩm làm ra chưa có sự sáng tạo, nổi bật, khách hàng chưa thực sự tin dùng.

Không nản lòng, anh đã đa dạng hóa các sản phẩm từ cây tre, làm từ bàn ghế, xích đu, chõng tre, guồng nước tới rổ rá, giường chiếu, bình hoa, đèn ngủ… Hầu hết những món hàng đều mang bản sắc văn hóa của người Thái, người Mường. Một thời gian sau, khách hàng tìm đến với anh nhiều hơn, hàng làm ra đến đâu hết đến đó.

Anh cho biết, hiện nay xu hướng tiêu dùng được ưa thích là những sản phẩm thân thiện với môi trường và đó là tiêu chí anh luôn hướng tới. Nhiều khách hàng không chỉ mua sử dụng, mà còn để trang trí.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre - 2

Những sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường.

Một cây tre có giá từ 30.000-40.000 đồng, sau khi xử lý, đầu tư qua các công đoạn cắt, đục, ghép… sẽ cho ra thành sản phẩm bán với giá trị cao hơn nhiều. Bàn ghế, xích đu từ 5.000.000-10.000.000 đồng/bộ; rổ, rá… từ 50.000-100.000 đồng/bộ tùy loại.

"Tre, luồng rất dễ bị mối mọt, nhưng nếu trải qua các thao tác gia công thì sẽ thành loại vật liệu bền vững, có tuổi thọ khá tốt. Khi chọn nguyên liệu, trước tiên phải chọn cây tre, luồng già. Ngoài phương pháp thủ công là phơi, sấy ra, người thợ còn phải làm thêm công đoạn luộc khoảng 24 tiếng để bảo đảm sản phẩm đưa vào sử dụng bền hơn", anh Thành chia sẻ.

Năm 2021, anh Thành tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc. Mỗi năm, trừ hết chi phí, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ tre, luồng của anh Thành mang lại nguồn thu hơn 300 trăm triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và hàng chục lao động thời vụ, chủ yếu là đoàn viên thanh niên trong thôn và một số phụ nữ trung niên với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre - 3

Nhiều món hàng như bàn ghế được các nhà hàng, quán cà phê đặt trước.

Ngoài các đơn đặt hàng, anh Thành còn nhận trang trí cho các quán cafe, nhà hàng… Hiện, các sản phẩm cơ sở làm ra được phân phối trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như Nghệ An, Hà Nội…

"Sau khi khảo sát, nắm bắt thị trường về các vật dụng làm từ thân cây tre, luồng thân thiện với môi trường, nhiều người ưa chuộng, tôi càng yên tâm đầu tư", anh Thành cho biết.

Nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre - 4

Anh Thành bên các sản phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh cho biết, anh Lê Văn Thành là điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Nhiều lao động nông nhàn đã được anh tạo công ăn việc làm, có thu nhập cao, đặc biệt là vào những dịp cuối năm, đơn hàng nhiều.

"Với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn Đức Thắng, bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh Thành còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương, tích cực gắn kết các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về việc sản xuất các mặt hàng từ tre, luồng cho các đoàn viên, thanh niên trong thôn.

Trong thời gian tới, địa phương đang định hướng anh Thành cùng với những người có tay nghề trên địa bàn hình thành tổ hợp tác để nhân rộng mô hình này", ông Nhân cho biết thêm.