Thanh Hóa
"Chạy dịch" về quê mở xưởng, thanh niên tạo việc làm cho hàng chục lao động
(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến anh Linh mất việc, phải trở về quê. Được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách, anh đã mở xưởng may, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt lao động hồi hương do dịch.
Đứng lên trong "bão dịch"
Năm 2016, anh Trần Quang Linh (24 tuổi, ở thôn Côn Cương 1, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) tốt nghiệp THPT. Gia cảnh khó khăn nên anh quyết định khăn gói vào Bình Dương, vừa học cao đẳng vừa đi làm công nhân để kiếm sống.
Tại đây, anh Linh được nhận vào làm trong một công ty may với nhiệm vụ sửa máy. Quá trình làm việc, được tiếp cận với các loại máy móc, linh kiện, chàng thanh niên 24 tuổi này đã ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở về quê hương lập nghiệp khi đã có đủ vốn và kinh nghiệm.
Tháng 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở phía Nam, công ty nơi anh Linh làm việc đóng cửa, anh cùng nhiều lao động lao đao vì phải ngừng việc. Không còn cách nào khác, anh đành phải trở về quê.
Trong lúc đang không biết sẽ phải làm công việc gì, anh Linh đọc được thông tin tỉnh Thanh Hóa có chính sách cho lao động trở về từ vùng dịch được vay vốn làm ăn, chàng trai này đã quyết định khởi nghiệp ngay trên quê hương trong cơn "bão dịch" vẫn đang hoành hành.
Anh Linh tìm đến các đầu mối cho vay vốn ở địa phương để tìm hiểu và được cán bộ tư vấn vay vốn. Hồ sơ tín dụng của anh Linh nhanh chóng được Ngân hàng chính sách huyện Nông Cống phê duyệt và giải ngân sau 2 tuần với số tiền 100 triệu đồng không cần thế chấp và lãi suất thấp.
Có hiểu biết về ngành may mặc, với số tiền vay được và vốn tích lũy được sau thời gian đi làm, anh Linh quyết định mở xưởng may. Anh tận dụng thuê lại mặt bằng là khu sân của nhà văn hóa cũ của thôn làm xưởng.
Quyết định táo bạo khi tuổi đời còn rất trẻ, chàng thanh niên này chia sẻ: "Ban đầu, tôi gặp không ít khó khăn về nhân công, máy móc, nguồn hàng, nhưng sau đó mọi thứ nhanh chóng được giải quyết. Khó nhất là nhân công thiếu tay nghề, một số chưa có kinh nghiệm, khi được tuyển dụng phải đào tạo họ từ con số 0".
Mở cơ hội việc làm cho nhiều lao động
Sau 3 tháng hoạt động, xưởng may cơ bản đã ổn định về máy móc, có 19 công nhân thạo nghề và nhận được nhiều đơn hàng. Đặc biệt, trong số đó, có nhiều công nhân cùng cảnh "chạy dịch" như anh Linh.
Ngày cuối năm, có mặt tại xưởng may của ông chủ 24 tuổi này, vì mới hình thành nên vẫn còn chưa có biển hiệu, đang quá trình mở rộng cơ sở. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tìm đến anh Linh để đặt gia công cho các sản phẩm may. Ông chủ trẻ này tất bật với những đơn hàng, những hồ sơ xin việc.
Anh Linh cho biết, trung bình xưởng có doanh thu 100 triệu đồng/tháng; 19 công nhân, trung bình thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ đủ chi trả nhân công, chưa có lãi, anh đặt kỳ vọng có lãi vào những năm tới.
Công nhân Nguyễn Thị Vân (32 tuổi, xã Tế Lợi) cho biết: "Nhờ có xưởng may của anh Linh mà nhiều chị em trong xã không còn phải đi làm xa mà vẫn có thu nhập ổn định. Với công việc và mức thu nhập này, ai cũng phấn khởi và xác định sẽ gắn bó lâu dài ở đây".
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông chủ Trần Quang Linh cho biết: "Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng xưởng, tuyển thêm công nhân, tạo điều kiện cho những lao động trở về từ vùng dịch, họ cũng khó khăn và mất phương hướng như mình".
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng chính sách tỉnh Thanh Hóa cho biết, chính sách cho vay vốn ưu đãi đã tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống cho con em Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bởi không yêu cầu thế chấp, cũng không mất phí. "Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát có hơn 3.000 đối tượng có nhu cầu vay vốn, ngân hàng đã duyệt cho vay 512 lao động với tổng số tiền 47 tỷ đồng.
Con số này vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu, 3 tháng cuối năm do chính sách chưa có tiền lệ nên khó khăn về nguồn vốn. Song, sang năm thì nguồn vốn được bố trí ngay từ đầu năm nên người lao động sẽ tiếp cận thuận lợi hơn", Giám đốc Ngân hàng chính sách tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.