"Nơi nào để xảy ra tai nạn lao động, xử lý cán bộ ở đó"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Đây là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khi đề cập tới việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề an toàn lao động.

Ngày 23/6, đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn đầu có buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cùng dự có Cục An toàn lao động, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam...

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2013-2023, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn triển khai thực hiện, phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên trong đơn vị.

Nơi nào để xảy ra tai nạn lao động, xử lý cán bộ ở đó - 1

Đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động được xuyên suốt và kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể; ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động có sự chuyển biến tích cực.

"Các chế độ, chính sách cho người lao động được quan tâm và triển khai thực hiện đầy đủ theo quy định. Người lao động được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật.

Điều kiện và môi trường làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện. Người lao động được tiến hành quan trắc định kỳ giúp phát hiện và tổ chức khắc phục kịp thời các nguy cơ gây ô nhiễm", đại diện Tập đoàn Hóa chất cho biết.

Nơi nào để xảy ra tai nạn lao động, xử lý cán bộ ở đó - 2

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho an toàn, vệ sinh lao động, đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro được đơn vị chú trọng. Lắp đặt các thiết bị thông gió, làm mát, chiếu sáng, chống ồn, chống dột, chống thấm các công trình nhà xưởng, phòng làm việc, khu vệ sinh trong các nhà máy và phân xưởng sản xuất...

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã tập trung giải đáp những kiến nghị từ phía Tập đoàn Hóa chất, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp để đơn vị hoàn thiện báo cáo.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao sự nghiêm túc của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong công tác triển khai an toàn, vệ sinh lao động, bám sát tinh thần Chỉ thị 29 của Trung ương.

"Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn. Những người không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ", Thứ trưởng Lê Văn Thanh bày tỏ.

Nơi nào để xảy ra tai nạn lao động, xử lý cán bộ ở đó - 3

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, từ khi Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh, lao động tại nhiều doanh nghiệp; tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được cải thiện rõ rệt. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã giảm thiểu đáng kể…

Thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. 

Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động…