1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chuyển đổi số, linh hoạt kết nối việc làm cho người lao động

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Biến động của kinh tế thế giới lẫn trong nước ảnh hưởng thị trường lao động Việt Nam. Do đó, từ đầu năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động việc làm, để thị trường linh hoạt, hội nhập hiệu quả hơn.

Thông tin được ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Giang chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả". Chương trình diễn ra vào ngày 6/6, do báo Dân trí phối hợp Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Chuyển đổi số, linh hoạt kết nối việc làm cho người lao động - 1
Ông Nguyễn Văn Huế (bên phải) cùng đại diện báo Dân trí tại tòa soạn (Ảnh: Hữu Nghị).

Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, phân tích dự báo thị trường lao động

Ông Nguyễn Văn Huế cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ các diễn biến bất thường trên thế giới như dịch bệnh, xung đột vũ trang, thì lạm phát, số lao động chuyển dịch trong nội bộ không đồng đều cũng tác động đến thị trường lao động.

Đơn cử như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, đây là những địa phương có lượng lao động lớn, sự chuyển dịch lao động có thể ảnh hưởng tới tính ổn định thị trường lao động.

Trong bối cảnh đó, theo ông Huế, Nghị quyết 06 là cơ sở quan trọng để các đơn vị, cơ quan, bộ ngành, đặc biệt là Cục Việc làm tích cực tham mưu cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện các gói chính sách ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết 06 cũng là tiền đề để các tỉnh căn cứ trên đó xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường lao động.

Hiện nay, trong xu thế chuyển đổi số nhanh chóng, mạnh mẽ, việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động có ý nghĩa rất lớn cho dự báo ngắn hạn, trung và dài hạn. Qua đó giúp doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo nghề hoạch định sớm về chiến lược đào tạo lao động có tay nghề, người lao động cũng có cơ hội tìm công việc mang tính bền vững.

"Nhờ hệ thống này, những tác động của chuyển đổi số, của cách mạng 4.0 đến thị trường lao động sẽ giúp số lượng người mất việc có xu hướng giảm đi. Bởi doanh nghiệp, người lao động và các chủ thể đã có sự chuẩn bị từ sớm. Do đó, cần nhanh chóng, khẩn trương xây dựng hệ thống này", ông Huế nhấn mạnh.

Chuyển đổi số, linh hoạt kết nối việc làm cho người lao động - 2
Ông Nguyễn Văn Huế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động (Ảnh: Hữu Nghị).

Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến giúp tìm việc nhanh trên toàn quốc

Chuyển đổi số thị trường lao động việc làm có 3 mục tiêu chính: giúp doanh nghiệp chuyển đổi số; giúp người lao động chuyển đổi số; tập trung tham mưu cho các cơ quan ban ngành Nhà nước, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan, đơn vị chức năng ban hành chính sách, văn bản, hướng dẫn, quy định thực hiện chuyển đổi số, trên cơ sở đó thiết lập hành lang pháp lý.

Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, người lao động sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường việc làm hơn.

Tuy nhiên, theo ông Huế, khi doanh nghiệp đăng tuyển số lượng lớn, người lao động đến đông, không có sự điều phối hợp lý sẽ phát sinh một số hạn chế. Lúc này, vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm rất quan trọng, trong việc làm cầu nối, điều phối giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Ông Huế cho biết thêm, trước đây, các trung tâm dịch vụ việc làm của mỗi tỉnh sẽ chủ động xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, triển khai thực hiện theo kế hoạch riêng của từng địa phương. Đầu năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, trực thuộc Cục Việc làm, hiện sàn giao dịch việc làm trực tuyến đã có một trung tâm chỉ huy (Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc).

Theo đó, Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc sẽ dùng chung dữ liệu cho các tỉnh, tích hợp tất cả thông tin của 63 tỉnh toàn quốc vào hệ thống. Người lao động khi tham gia Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, không chỉ biết vị trí, tình trạng việc làm, nhu cầu tuyển dụng việc làm của một tỉnh mà còn tìm hiểu được thông tin của các tỉnh khác. Người lao động có thể đăng ký phiên việc làm trực tuyến ở các địa phương trên chính sàn này.

"Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc ra mắt hoàn toàn phù hợp trong kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0, phần nào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, kết nối doanh nghiệp và người lao động, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người lao động", ông Huế nhấn mạnh.

Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội với lao động trẻ. Họ được tiếp cận nhiều thông tin, kịp thời, không chỉ ở phạm vi một tỉnh, một quốc gia, mà còn ở các nước trong khu vực, những nước có nhu cầu lao động lớn, kể cả EU.

Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức. Khi tiếp cận thông tin, người lao động phải chọn lọc vì thông tin đa chiều, cần tìm thông tin mang tính chính thống từ các trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh xã hội ở địa phương để tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân, tránh các rủi ro khi tìm việc.

Ông Nguyễn Văn Huế tư vấn lao động trẻ cần tập trung nâng cao kỹ năng nghề. Chính doanh nghiệp cũng thích người lao động có am hiểu về lĩnh vực ứng tuyển, có nhiệt huyết, kỹ năng, bởi khi đó, hiệu suất làm việc cao, có tính gắn kết lâu dài giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Chuyển đổi số, linh hoạt kết nối việc làm cho người lao động - 3
Theo ông Nguyễn Văn Huế, kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra các thách thức, người lao động cần nâng cao chuyên môn, kỹ năng để có lợi thế cạnh tranh (Ảnh: Hữu Nghị).

Biến động của kinh tế thế giới lẫn trong nước có ảnh hưởng tới thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huế, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam có nhiều tiềm năng, có lao động dôi dư, lao động tay nghề, chất lượng cao đang tham gia vào thị trường lao động ở các tỉnh thành.

Vai trò trung tâm dịch vụ việc làm trên thị trường lao động