Nợ BHXH hơn 6.000 tỉ đồng: Vì sao khởi kiện đang bế tắc?

(Dân trí) - Theo Luật BHXH, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Do những vướng mắc về pháp lý, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công được 1 vụ nào sau hơn 1 năm Luật BHXH có hiệu lực. Vậy, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này ra sao?

Nợ BHXH hơn 6.000 tỉ đồng: Vì sao khởi kiện đang bế tắc? - 1

Trao đổi với báo giới trong sáng 5/4, tại Hà Nội, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai quy định khởi kiện theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016).

Theo BHXH VN, số nợ BHXH, BHYT, BHTN tới tháng 2/2017 lên tới hơn 14.700 tỉ đồng, gồm cả số nợ trong năm 2016. Các doanh nghiệp có số nợ BHXH cao đã chiếm khoảng 6.000 tỉ, trong đó có 1.400 tỉ đồng nợ khó đòi ở các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản.

Chồng chéo về pháp luật trong khởi kiện

Theo ông Mai Đức Chính, Điều 14 của Luật BHXH đã quy định rõ: Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, đang có sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH.

Ông Chính phân tích, để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải dựa vào căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng dân sự.

“Toà án yêu cầu, để thực hiện luật BHXH, cơ quan BHXH VN với tư cách thanh tra thu cần tăng cường xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH, thanh tra LĐ-TB&XH vẫn tiến hành xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH” - ông Mai Đức Chính cho biết

Tuy nhiên, Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng tới ngày 1/7/2016, Luật Tố tụng dân sự mới có hiệu lực.

Tiếp theo đó, Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến.

“Do đó có khoảng trống pháp luật” - ông Mai Đức Chính chia sẻ.

Vì sao 77 đơn khởi kiện chưa được xử lý?

Ông Mai Đức Chính cho biết, hết tháng 2/2017, Bảo hiểm xã hội VN đã chuyển giao cho Tổng LĐLĐ VN danh sách 1.177 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH.

Tại 52 LĐLĐ cấp tỉnh, thành cũng đã tiếp nhận hơn 1.150 hồ sơ doanh nghiệp.

Thống kê của Tổng LĐLĐ VN cho thấy, tới nay, 39/63 LĐLĐ tỉnh, thành đã nộp đơn ra toà với 77 vụ kiện. Cụ thể: Sơn La 4 vụ, TP HCM: 4 vụ, Hà Nội: 23 vụ, Đồng Nai: 4 vụ; Tây Ninh: 4 vụ… Dự kiến, 17 LĐLĐ tỉnh thành tiếp tục khởi kiện 63 doanh nghiệp.

“Nhưng có tới 17/77 vụ bị toà án trả lại vì: Không thuộc thẩm quyền của toà án, vụ kiện thuộc tranh chấp tập thể về quyền chưa được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết hoặc chưa có giấy uỷ quyền của CĐ cơ sở” - ông Mai Đức Chính nói.

Theo Tổng LĐLĐ VN, việc khởi kiện của công đoàn cũng là “đánh động” tới doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã tự đem tiền tới nộp. Đơn cử như ở Bình Dương, TP HCM nhiều LĐLĐ đã làm được. Tới nay, các doanh nghiệp đã nộp được 299 tỉ đồng.

Vướng mắc gì khiến toà án đã trả lại hồ sơ?

Theo ông Mai Đức Chính, hôm 27/3, một cuộc họp giữa Tổng LĐLĐ VN, Toà án nhân dân tối cao, BHXH VN và nhiều cơ quan chức năng đã diễn ra về nội dung này.

“Quan điểm của Toà án Nhân dân tối cao, việc trốn, nợ đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm trong Luật BHXH. Như vậy, việc này vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, BHXH VN với chức năng thu sẽ có quyền xử phạt, nếu xử phạt chưa có tác dụng thì BHXH VN kiến nghị cấp cao hơn. Sau đó chưa được mới tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự và theo Điều 254, 256 Luật Hình sự” - ông Mai Đức Chính cho biết.

Do đó, Toà án Nhân dân tối cao đã hướng dẫn toàn án các cấp trả lại hồ sơ vụ kiện cho ngành BHXH để thực hiện việc thanh tra, xử phạt và không thụ lý hồ sơ khởi kiện của công đoàn theo quy trình mới.

“Đồng thời, Toà án nhân dân tối cao đã yêu cầu cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các bên về những vướng mắc và báo cáo cấp trên. Việc khởi kiện tới nay là hoàn toàn bế tắc về mặt pháp lý” - ông Mai Đức Chính nói.

Hai phương án khơi thông bế tắc

Theo ông Mai Đức Chính, hiện có 2 đề xuất phương án nhằm khơi thông bế tắc pháp lý. Một là BHXH VN thực hiện chức năng thanh tra thu và tiếp tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Hai là tổ chức công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động ở công đoàn cơ sở cấp dưới trực tiếp.

Phương án 1: Về việc để BHXH VN tiến hành khởi kiện. Trước đây, BHXH VN đã khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Nhưng khi xây dựng Luật BHXH, do BHXH VN có thêm chức năng thanh tra nên chuyển chức năng khởi kiện sang công đoàn.

Theo ông Mai Đức Chính, có một số ý kiến cho rằng BHXH là cơ quan “lưỡng tính”, dù là đơn vị sự nghiệp công nhưng có thêm chức năng thu BHXH và quản lý quỹ BHXH. Do đó, BHXH VN vẫn có thể chức năng thanh tra thu và khởi kiện.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhận xét: Những điều này nếu áp dụng thì đều phải sửa nhiều Luật liên quan: Luật BHXH hoặc Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc Quốc hội có thêm nghị quyết riêng về vấn đề này.

Phương án 2: Giao cho công đoàn cấp trên trực tiếp khởi kiện.

Theo ông Mai Đức Chính, nếu công đoàn cơ sở trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp sẽ rất khó, vì cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ doanh nghiệp. Chưa kể, việc người lao động uỷ quyền cho công đoàn khởi kiện rất rườm rà.

“Nếu doanh nghiệp có tới 1.000 người lao động uỷ quyền thì đại diện công đoàn phải tới tận nơi từng người lao động đang sống để làm thủ tục uỷ quyền và người lao động phải đóng lệ phí 130.000 đồng” - ông Mai Đức Chính nói.

Chưa kể việc chưa hợp ký khi xử lý kết quả xét xử phiên toà do người lao động trực tiếp kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Ông Mai Đức Chính nói: “Trường hợp toà án tuyên thắng, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp sẽ chuyển cho người lao động. Trong khi đó, thực tế số tiền này phải chuyển cho Quỹ BHXH do BHXH VN đứng ra quản lý”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Chế độ Bảo hiểm y tế với người nhận trợ cấp thất nghiệp

Bạn Phạm Hồng Hạnh (Gia Viễn, Ninh Bình) hỏi: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hay không và trong thời gian này người lao động có phải đóng bảo hiểm y tế hay không? Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động có tiếp tục được hưởng bảo hiểm y tế hay không ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 51 Luật Việc làm ngày 16/11/2013 thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động không được hưởng bảo hiểm y tế và phải trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

V.A

Việc duy trì học nghề của người hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Bạn Lưu Ngọc Mai (Bến Tre) hỏi: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hỗ trợ học nghề, vì một số lí do tôi bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, vậy tôi có còn được hỗ trợ học nghề nữa không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn tiếp tục học nghề hoặc chuẩn bị tham gia học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề. Như vậy, người lao động dù bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề theo quyết định về việc hỗ trợ học nghề.

T.Q