Ninh Bình: Làng gốm đỏ lửa phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu
(Dân trí) - Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng bình gốm sành tăng cao khiến những người thợ làm gốm lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên các lò gốm ở Gia Thủy (Ninh Bình) có đỏ lửa đến Tết cũng không đủ hàng bán.
Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay nghề gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Để làm ra được một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong ảnh: Đất sét được lọc kỹ trước khi đem phơi để làm gốm.
Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận tránh sai sót. Đất sét khi lọc qua nước sẽ được loại bỏ tạp chất, cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm. Công đoạn phơi đất cần cần thận bởi đất phơi khô quá cũng không làm được gốm mà ướt quá cũng khó làm gốm. Vì thế khi phơi người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất.
Đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Đất sét làm gốm ở Gia Thủy có màu vàng nên rất tốt khi làm gốm, khi sản phẩm ra lò cũng có độ bền, óng đẹp rất cao.
Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc vò, chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài và tròn để khi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng hơn.
Mỗi chiếc vò, chum, vại đều được bắt đầu từ những thớ đất đầu tiên như thế này. Do có thời gian bị mai một nên ở làng gốm Gia Thủy chỉ còn lại những người thợ cao tuổi. Lớp trẻ thấy nghề không có thu nhập ổn định nên nhiều người không học nghề hay chỉ làm theo mùa vụ mà không có tâm huyết với nghề.
Những năm trở lại đây, nhu cầu mua bình, vò, chum sành để ngâm rượu tăng cao vì rượu khi ngâm vào bình gốm sành sẽ khử được chất độc, làm giảm nồng độ rượu, an toàn cho người sử dụng. Vì thế, nghề gốm Gia Thủy sản xuất nhộn nhịp hơn trước kia. Các cơ sở sản xuất làm quanh năm cũng không đủ hàng cung ứng ra thị trường.
Tháng cuối năm, cơ sở sản xuất nào cũng tất bật. Người thợ gốm làm việc từ sáng đến tối, lúc nào cũng "đầu tắt mặt tối". Có việc làm ổn định nên nhiều người thợ lành nghề có thu nhập cao. không bấp bênh như trước kia. Các công đoạn làm gốm được thực hiện theo một dây truyền liên hoàn, mỗi người một công đoạn khác nhau.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Mai, từng công đoạn làm gốm, người thợ gửi hồn mình vào những cục đất vô tri vô giác để tạo nên một sản phẩm gốm hoàn chỉnh và có hồn. Từ những sản phẩm làm vật dụng bình thường hay những sản phẩm mỹ nghệ thì người thợ cần phải có lòng đam mê và tâm huyết với nghề.
Bình quân, mỗi chiếc bình to không có hoa văn giá từ 1 triệu đồng trở lên. Loại có giá cao hơn thì được đầu tư hoa văn, tỉa các tích chuyện hay Tùng - Trúc - Cúc - Mai... tùy theo yêu cầu của khách.
Gốm khi hoàn thiện các công đoạn nhào nặn sẽ được làm bóng và đem phơi khô. Khi đủ độ khô sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C.
Những bình gốm có giá trị nghệ thuật cao như thế này có giá bán từ vài triệu đồng đến trên chục triệu đồng. Vào dịp tết, những loại sản phẩm như thế này được ưa chuộng và nhiều người đến đặt làm nhưng thợ gốm Gia Thủy không giám nhận vì sợ không kịp hàng cho khách.
Người tạo được hình ảnh, hoa lá, tích chuyện trên các bình gốm phải được trải qua các lớp học, hay có tay nghề thâm niên. Vì khi thực hiện công đoạn này phải vẽ hình ảnh sau đó mới nặn đất vào tạo dáng phù hợp. Mỗi bức tranh trên bình gốm thể hiện sự sinh động và mang hồn cốt đặc trưng của làng nghề gốm Gia Thủy.
Chị Lan - một thợ gốm chia sẻ, nhờ theo nghề gốm mà gia đình chị có thu nhập ổn định. Vào tháng Tết thì thu nhập cao hơn. "Nghề này cũng có lúc tưởng chừng mình phải bỏ nghề những rồi vẫn được thị trường ưa chuộng, giàu thì không giàu được, thu nhập cũng ổn định, mỗi tội bẩn tay suốt ngày" - người phụ nữ gần 40 tuổi chia sẻ.
Cận Tết hàng khách đặt nhiều làm không xuể, để kịp tiến độ những người thợ gốm phải tranh thủ ăn cơm ngay tại cơ sở sản xuất. Họ không có thời gian nghỉ trưa, ăn cơm xong uống chén nước là bắt tay ngay vào làm việc buổi chiều.
Nâng niu sản phẩm trước khi đưa vào lò.
Thông thường, mỗi lò gốm sẽ được đốt trong 2 ngày mới đạt. Nguyên liệu đốt gốm là các loại gỗ như keo tràm, bạch đàn... Các chủ lò gốm ở Gia Thủy cho hay, từ nay đến Tết nguyên đán các lò liên tục đỏ lửa những cũng không đủ hàng cung ứng ra thị trường phục vụ khách hàng.
Thái Bá