1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ninh Bình: Gỡ "nút thắt" để lao động tự do được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Thái Bá

(Dân trí) - Quá trình triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, các địa phương tại Ninh Bình gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để hàng nghìn lao động tự do sớm được hỗ trợ vượt qua bão dịch Covid-19.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Phụng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Viễn (Ninh Bình) thông tin về thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, huyện đã sớm triển khai thực hiện chính sách để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), huyện Gia Viễn đã tiếp nhận 881 hồ sơ, đã thẩm định 717 hồ sơ đủ điều kiện chuyển về tỉnh đề nghị phê duyệt để kịp thời hỗ trợ; còn lại 164 hồ sơ không đủ điều kiện.

Theo trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Viễn, quá trình triển khai chính sách, Phòng đã gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, gặp khó khăn trong việc xác định các đối tượng là lao động tự do làm việc tại một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.

Ninh Bình: Gỡ nút thắt để lao động tự do được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 1

Nhiều lao động tự do tại Ninh Bình đang mong sớm nhận được tiền hỗ trợ.

Trong thực tế, những người này có bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 (giảm sâu thu nhập, mất việc làm) nhưng chưa thuộc đối tượng được hỗ trợ. Bởi theo văn bản của UBND tỉnh, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn chỉ dừng bán hàng tại chỗ còn vẫn được bán mang về. Mặt khác, điều kiện lao động tự do được hưởng hỗ trợ là nơi làm việc của họ phải dừng hoạt động liên tục theo quy định của cấp có thẩm quyền liên tục từ 15 ngày trở lên.

Bên cạnh đó, một số đối tượng là người Ninh Bình đi làm ăn ở tỉnh khác thuộc diện F1 phải đi cách ly tại các khu cách ly tập trung ở các tỉnh khác, hoàn thành cách ly về Ninh Bình khi đề nghị hỗ trợ giấy tờ không đầy đủ.

Các lái đò tại khu du lịch đầm Vân Long cũng chưa rõ có được hỗ trợ hay không vì chưa xác định được những người này có ký kết hợp đồng lao động với đơn vị đứng ra tổ chức chèo đò chở khách du lịch.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Viễn đã đề xuất Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo về chính sách hỗ trợ đối tượng lao động tự do ngoài địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập.

Ninh Bình: Gỡ nút thắt để lao động tự do được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 2

Những người thu gom rác, phế liệu ở Ninh Bình sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng để ổn định cuộc sống, vượt qua bão dịch.

Đồng thời Phòng cũng đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ chứng minh đối với các trường hợp đặc thù khi cấp xã không xác định được việc làm, nơi làm việc của đối tượng (như lao động tự do có cả nơi thường trú và tạm trú; lao động là người địa phương nhưng làm việc ở nơi khác; lao động làm các công việc không có địa điểm cố định…).

Tại huyện Hoa Lư, quá trình triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động tự do cũng đang gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, huyện này có khoảng 3.000 lao động chèo đò làm việc tại các khu du lịch. Số lao động này đang được các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng và điều động.

Để đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho người lao động chèo đò, UBND huyện Hoa Lư đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình nhằm xác định rõ hình thức lao động của số lao động chèo đò trên để làm căn cứ giải quyết chế độ chính sách cho người lao động.

Khẩn trương hỗ trợ để người lao động ổn định cuộc sống

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có trên 9.000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 cần được hỗ trợ. Bước đầu, Sở đã thẩm định, chuyển sang UBND tỉnh danh sách hơn 1.100 lao động tự do từ các huyện, thành phố gửi lên.

Ninh Bình: Gỡ nút thắt để lao động tự do được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 - 3

Nhiều lái đò chở khách du lịch ở Ninh Bình thất nghiệp vì du lịch đóng cửa, hiện nay phải đi dọn cỏ để có tiền lo cho cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết: "Với tinh thần quyết tâm cao, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, giúp người lao động ổn định cuộc sống".

Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, hiện nay, các cơ quan liên quan đang tập trung thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ trong thời gian sớm nhất với phương châm: "Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tới đâu sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện chi trả tới đó".

Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần

Triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 Quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Nghị quyết số 46).

Cụ thể, đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, làm việc trong lĩnh vực, công việc: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe thô sơ chở hàng hóa, chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu); Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

Người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục tư thục (không phải giáo viên); làm công việc thuộc một số ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gặp khó khăn khi phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Mỗi lao động tự do tại Ninh Bình sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền là 1.500.000 đồng/người. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách của tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.