Những tiếng đe tiếng búa còn sót lại ở làng nghề rèn xứ Quảng
(Dân trí) - Thời vàng son của nghề rèn đã qua, nhưng trong những lò rèn còn sót lại ở xứ Quảng, ngọn lửa truyền thống vẫn bập bùng cháy, vang vọng tiếng đe, tiếng búa từ quá khứ, níu giữ hồn cốt làng nghề xưa.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mà tại xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, nơi từng nổi danh với nghề rèn, vẫn ảm đạm. Chỉ còn vài lò rèn duy trì hoạt động, tiếng đe tiếng búa đang cố nhúc nhắc vang, dền dứ.
Trước đây, nơi này có gần 100 lò rèn truyền thống, nay chỉ còn chưa đến 10 lò đỏ lửa. Thời phồn thịnh đã qua, giờ chỉ còn một vài hộ vẫn kiên trì bám nghề, giữ truyền thống và tâm huyết của ông cha.
Trong không gian chưa đến 50m2, ông Hà Hoàng (thôn Đồng Thành, xã Quế Châu) đang hoàn thiện dao để giao cho khách. Ông đã theo nghề hơn 40 năm, mỗi ngày làm được 2-3 sản phẩm, giá 80.000-250.000 đồng, thu nhập tạm ổn.
Ông Hoàng cho biết, để làm ra một con dao, lưỡi cuốc không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như nung sắt, đập phôi, gọt sửa, làm nguội và mài tay. Đặc biệt, khâu làm nguội đòi hỏi sự tỉ mỉ, quyết định độ bền, đẹp của sản phẩm.
Ông Hoàng cho biết, nghề rèn hiện tại cho thu nhập ổn định, nhưng lớp trẻ không mặn mà với nghề. Công việc nặng nhọc, khói bụi, nhiều người chọn nghề khác nhàn nhã hơn.
Nguyên liệu chủ yếu là sắt từ vỏ bom đạn, phế liệu thời chiến tranh, nay cũng cạn kiệt. Sử dụng sắt thông thường, sản phẩm không bền. Dần dần, số lượng lò rèn giảm do thiếu nguyên liệu và người kế nghiệp.
Ông Hà Cảnh, ở thôn Đồng Thành, xã Quế Châu, một trong những hộ làm rèn còn sót lại, trăn trở vì nghề truyền thống của gia đình đang dần mai một do không có người tiếp nối.
"Mặc dù tôi sẵn sàng dạy miễn phí cho người có đam mê và mong muốn theo nghề rèn, nhưng nhiều năm qua không có ai đến xin học. Nếu không có người tiếp nối, một ngày nào đó nghề này cũng sẽ dần mất đi", ông Hà Cảnh bày tỏ.
Theo người dân xã Quế Châu, làm nghề rèn không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải có cái tâm, sự kiên trì và tâm huyết. Người thợ rèn cần sáng tạo, có sức khỏe tốt và kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Ông Nguyễn Minh Sỹ - Chủ tịch UBND xã Quế Châu - cho biết, địa phương đã nỗ lực hỗ trợ người dân khôi phục làng nghề, từ việc động viên những người giữ lửa nghề đến đầu tư máy móc chất lượng cho làng nghề.
Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh, nhiều sản phẩm công nghiệp giá rẻ, mẫu mã đẹp hơn xuất hiện khiến hàng thủ công không được ưa chuộng.
"Trong thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực phát triển kinh tế, duy trì và phát triển làng nghề rèn truyền thống Quế Châu, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, tăng thu nhập cho người dân với nghề truyền thống", ông Nguyễn Minh Sỹ nói.
Kim Duyên