1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những người vượt hiểm nguy đi tìm 'lộc trời' trong rừng

Vào khu vực rừng núi để tìm lá tre là công việc mang lại thu nhập khá tốt nhưng cũng chứa nhiều vất vả, nguy hiểm với người dân thôn Đồng Chiêm (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội).

Vào khu vực rừng núi để tìm lá tre là công việc mang lại thu nhập khá tốt nhưng cũng chứa nhiều vất vả, nguy hiểm với người dân thôn Đồng Chiêm.

Những người già hay phụ nữ có con nhỏ… tham gia vào việc phân loại lá tre. Những người trong độ tuổi lao động khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn thì chọn công việc lên rừng để thu gom lá.

Một ngày đi hái "lộc trời"

6h sáng, gói cơm nắm, thức ăn và nước uống vào chiếc túi, khoác thêm bao tải, một cây gậy có đầu móc, vợ chồng anh Đinh Văn Không (SN 1980, thôn Đồng Chiêm) lên đường.

Chạy xe máy khoảng 1km, hai vợ chồng dừng xe. Họ để phương tiện ở ngoài và bắt đầu đi bộ vào khu vực rừng núi. Ngày làm việc mới của họ bắt đầu.

Công việc thu gom lá tre bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 (âm lịch). Đây là thời điểm lá tre phát triển nhiều và tốt nhất.

Những người vượt hiểm nguy đi tìm lộc trời trong rừng - 1

Lá tre Bát Độ dùng để xuất khẩu

“Chúng tôi phải đi bộ khoảng 20-30 phút mới vào được vùng có tre Bát Độ. Đường lúc lên, lúc xuống, vượt đèo vượt dốc nên đi rất vất vả”, anh Không nói.

Vào đến nơi, họ chọn các cây tre có nhiều lá và bắt đầu hái. Người hái lá tre không dùng bao tay để đỡ bị vướng, hái được nhanh hơn.

Ở những cây thấp họ có thể đứng ở mặt đất để hái. Nhưng những cây tre cao, người dân phải dùng cây gậy có đầu móc để vít cành tre xuống hoặc trèo lên cây tre (cao 4-5m) để thu gom lá.

“Muốn tre ra nhiều lá và không mọc lên quá cao, chúng tôi tiến hành phạt cây từ trước. Vào khoảng 2, 3 tháng trước thời điểm mùa hái lá bắt đầu, chúng tôi vào rừng và phạt hết những lá già.

Việc này để lớp lá non phát triển lên sẽ nhiều và to hơn. Việc phạt lá mất vài ngày hoặc vài tuần tùy vào diện tích”, anh Không nói thêm.

Tùy thuộc vào kinh nghiệm, năng suất hái lá tre của mỗi người cũng khác nhau. Người làm lâu năm và là phụ nữ vốn khéo tay, nhanh nhẹn sẽ hái được nhiều. Có ngày họ hái được 35-40kg lá tre. Những người mới làm hái được khá ít, chỉ khoảng 15kg.

“Đàn ông thường hái kém hơn so với phụ nữ từ 5-10kg. Ngoài ra, việc hái được nhiều lá hay không tùy thuộc vào việc họ có may mắn tìm được khu vực nhiều tre hay không”, anh nói.

Những người vượt hiểm nguy đi tìm lộc trời trong rừng - 2

Người dân phân loại lá tre.
 

Cũng theo anh Không, nếu may mắn, họ tìm được chỗ lá tốt còn nếu không họ phải lang thang trong rừng cả ngày để tìm. Lá sẽ được phân loại A, B và C vì vậy người hái luôn chọn lá to, không bị rách để thu hoạch.

Những người hái lá cho biết, trời nắng họ dễ di chuyển để tìm tre nhưng lá hay bị héo, cong. Trong khi đó, trời mưa việc đi lại khó nhưng do lá ngấm nước mưa sẽ tươi, dễ hái hơn.

Sau khi hái, lá được cho vào các bao tải và người hái đội lên đầu hoặc đeo sau lưng để di chuyển ra ngoài bìa rừng.

Những ngày nắng to, lá héo, sau khi hái về nhà, người dân lại phải nhúng cả bao tải lá tre vào bể nước khoảng 20 phút. Việc này để lá ngấm nước, duỗi ra, dễ phân loại.

Nếu đi từ 6h sáng, đến trưa người hái lá sẽ nghỉ ngơi, ăn trưa. Khoảng 2h chiều, họ bắt đầu di chuyển từ điểm hái lá về nhà. 4h chiều, họ có mặt tại các cơ sở thu mua để tiến hành cân lá.

“Đây là thời điểm vui nhất trong ngày. Ngày may mắn, chúng tôi sẽ hái được nhiều nhất khoảng 35-40kg, còn trung bình mỗi ngày chúng tôi chỉ thu được khoảng 25-30kg. Giá mỗi kg lá tre dao động từ 10-11 nghìn đồng. Tính ra, nếu mỗi ngày hái được 30kg lá tre, chúng tôi sẽ có 330 nghìn đồng”, anh Không nói.

Nguy hiểm nơi rừng sâu

Anh Không bắt đầu công việc hái lá tre từ năm 18 tuổi. Anh kể: “Hồi đó cả làng tôi làm nghề này. Ngày nào chúng tôi cũng gọi nhau vào rừng lấy lá. Nhưng giờ người làm cũng ít hơn bởi thanh niên chọn các công việc có thu nhập ổn định, an toàn hơn như công nhân, buôn bán…

Năm nay nắng nóng, lá cũng ít vì vậy ít vào rừng hơn. Hiện tôi làm thêm công việc ở Thái Nguyên để có đồng ra đồng vào nuôi 3 con ăn học”.

Một lý do nữa là cây tre Bát Độ ngày trước thấp, dễ hái nay cây mọc cao càng già và cằn cỗi, lá không còn nhiều như trước.

Những người vượt hiểm nguy đi tìm lộc trời trong rừng - 3

Công việc đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân ở thôn Đồng Chiêm.
 

Có hơn 20 năm theo nghề hái lá tre, chị Đặng Thị Chính (SN 1979, thôn Đồng Chiêm) khẳng định đây là công việc cho thu nhập khá cao nhưng vất vả, nguy hiểm.

Thôn Đồng chiêm có khoảng 20 người làm nghề hái lá nhưng chỉ 4-5 người là lên rừng thường xuyên. “Công việc nguy hiểm khi phải đi vào vùng rừng núi để tìm tre. Tre tự nhiên (cao 4-5m), mình phải trèo lên mới hái được nhiều lá.

Ngày nào cũng leo núi rồi leo cây, trong thời tiết nắng nóng hoặc mưa rừng rất mệt. Trước đây, làng tôi cũng có một người phụ nữ chết vì đi lấy lá. Bà ấy có bệnh lý sẵn, không biết lý do bị ngã cây hay vì bệnh mà mất trong rừng. Mấy ngày sau, người nhà mới tìm thấy thi thể”, chị Chính nói.

Ngày xưa ngoài việc hái lá về, người dân còn phải kẹp lá vào các thanh tre sau đó phơi khô.

“Việc phơi khá mất thời gian vì mình phải lật giở lá liên tục, trời mưa thì tất tả mang vào nhà. Nhưng ngày nay, lá tươi sau khi thu mua về được cho luôn vào lò sấy, không còn phải phơi thủ công”, chị nói.

Đây là công việc chính của chị Chính. Hết mùa lấy lá, chị chuyển sang hái các cây thuốc nam trên núi cao hay về cày cấy thêm ruộng để tăng thu nhập.

“Nghề nào cũng có vất vả riêng, quan trọng là mình cố gắng để vượt qua. Vui nhất là những lúc người trong làng rủ nhau đi lấy lá, dọc đường đi trêu đùa nhau rồi cười vang cả vùng”, chị nói.