Ông lão khuyết tật 65 tuổi làm nghề nhặt ve chai nuôi gia đình
(Dân trí) - Hơn 12 năm qua, ông Phạm Tiến Tài bươn chải với nghề nhặt ve chai tại Hà Thành để nuôi gia đình nơi quê nhà Quất Lâm (Nam Định). Công việc của người đàn ông khuyết tật này từ 12h tới 4h hôm sau.
Vượt lên chính mình
Bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, cuộc đời của ông Phạm Tiến Tài (quê nghèo Quất Lâm, Giao Thuỷ, Nam Định) là một câu chuyện dài về sự bươn trải kiếm sống từ nam ra bắc.
Dù đã 65 tuổi, người đàn ông khuyết tật này vẫn làm đủ thứ nghề để kiếm sống và nuôi gia đình và không muốn phụ thuộc vào ai.
Ông Tài chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 anh em, tôi và em gái. Năm 24 tuổi, tôi lấy vợ rồi sinh được 4 người con, 3 trai 1 gái. Tôi nuôi các con ăn học bằng nghề làm muối do cha ông để lại suốt mấy chục năm”.
Sức khoẻ dần suy yếu, nghề làm muối cũng chẳng còn đem lại thu nhập cho gia đình nữa. Sau trận ốm thập tử nhất sinh kéo dài mấy năm liền, kinh tế gia đình lâm vào cảnh nợ nần.
Không chịu đầu hàng số phận, cuối năm 2000, ông Tài vào tỉnh Bình Định làm thuê cho người quen tại một trang trại. Vì đi lại không vững, cố gắng làm việc để trả nợ nần và nuôi các con ăn học, thời gian đó ông gầy đi gần 20 kg.
Ông Phạm Tiến Tài tâm sự: “Thấy tôi gầy trơ xương, vợ con tôi không cho tôi làm thuê nữa mà khuyên tôi về quê tìm nghề khác. Tôi về quê, bắt đầu với nghề bán hải sản rong. Nhưng sau cũng phải bỏ nghề vì không cạnh tranh được với các lái buôn đi bằng xe máy. Mình đạp xe chậm nên không kịp đưa hàng tới bán”.
Đầu năm 2008, ông Tài quyết định ra Hà Nội làm nghề nhặt ve chai. Hàng ngày, ông Tài ra khỏi nhà vào lúc 12 giờ trưa cùng với chiếc xe đạp cũ. Ông rong ruổi khắp thành phố Hà Nội tìm kiếm những lọ chai, mảnh giấy vụn bỏ đi để bán. Công việc của ông chỉ kết thúc lúc 4 h hôm sau.
Hôm nào may mắn, ông Tài kiếm được 50.000 - 70.000 đồng. Có những hôm thời tiết xấu, ông không kiếm được đồng nào.
“Tôi đi khắp thành phố, có ngày đạp xe đến mấy chục km. Nhiều hôm trở về đến phòng trọ ngã lăn ra không đứng dậy được phải bò vì đôi chân đau nhức. Không ít lần, con cái bảo tôi bỏ nghề về quê nhưng, chúng cũng chẳng khá giả gì rồi còn phải chăm lo cho gia đình riêng nữa” - ông Tài tâm sự.
Luôn nghĩ về gia đình
Kinh tế còn khó khăn, mỗi năm ông Tài chỉ về quê vài ba lần vào ngày giỗ bố mẹ và Tết Nguyên đán. Còn công việc hàng tháng, ông Tài vẫn dành dụm tiền từ việc bán ve chai gửi về cho vợ ở quê để đỡ đần con cháu, trang trải chi phí sinh hoạt. Mấy người con của ông Tài mới lập gia đình, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nơi quê nhà.
“Tháng nào kiếm được nhiều, tôi gửi về được 3 triệu đồng. Tháng ít cũng được 2 triệu đồng. Bà ấy ở nhà chăm 5 đứa cháu nhỏ cho con cái yên tâm làm ăn, thi thoảng mới đi làm thuê được cho các vựa hải sản vài buổi” - ông Tài cho biết thêm.
Năm nay, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của ông khi mà giá phế liệu giảm một nửa, từ 4000 đồng nay xuống còn 2000 đồng.
“Vừa rồi, tôi chấp hành chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ nên về quê mất hơn 2 tháng. Hết dịch, tôi lại lên Hà Nội đi làm ngay” - ông Tài chia sẻ thêm.
Được biết, hàng tháng ông Tài được nhận được số tiền hỗ trợ 500.000 đồng. Ông dặn vợ ở nhà đi lấy tiền trợ cấp để thêm đồng quà tấm bánh cho các cháu.
Nhắc đến chuyện bỏ nghề về quê, ông Tài trăn trở: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Vì cuộc sống còn vất vả quá mà về quê sống phụ thuộc vào con cái. Tôi còn khoẻ, sẽ còn ở lại”.
Hình ảnh ông Tài đã quá đỗi quen thuộc với người dân xung quanh khu vực đường Trần Cung, không ít người đến giúp đỡ nhưng ông chỉ nhận đủ phần cho mình và nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác trong xóm trọ.
Trong xóm trọ lụp xụp cuối con ngõ 79 phố Trần Cung, ai cũng cảm thông trước hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của ông Tài.
Bà Nguyễn Thị San quê ở Văn Nhân (Phú Xuyên, Hà Nội), người hàng xóm sát vách với ông Tài chia sẻ: “Nhiều đêm mưa bão, bất chợt thấy ông đội mưa về cả xóm chỉ lo. Rồi không ít lần, chúng tôi thấy ông vì mệt quá về đến sân ngã lăn ra sân”.
Theo bà San, mặc dù khó khăn nhưng ông Tài sống rất tình cảm, hay giúp đỡ mọi người trong xóm trọ. Ai cũng vì thế mà mến và mong cho ông Tài khoẻ mạnh.