Gia Lai:
Những người trèo đèo, lội suối, ăn cơm nắm muối vừng giữa rừng ngày Tết
(Dân trí) - Ngày Tết cổ truyền, khi mọi người đều quây quần với bữa cơm đoàn viên, giữa những cánh rừng, các cán bộ lâm nghiệp trèo đèo, lội suối tuần tra, ăn cơm nắm muối vừng qua bữa.
Xuyên Tết giữ rừng
Tết Nguyên đán Quý Mão, anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh (45 tuổi) - Trạm trưởng Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đê Kôn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai) cùng một nhân viên của công ty trực xuyên Tết.
Nhiệm vụ những "người giữ rừng" của trạm là cắm chốt trên những lối đi độc đạo và thường xuyên đi tuần tra trên 2.000ha rừng thuộc vùng núi Đê Kôn (xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai).
Hàng chục năm nay, anh Ảnh cùng những cán bộ lâm nghiệp chưa có cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Theo anh Ảnh, Tết là thời điểm mà lâm tặc thường lợi dụng vào rừng khai thác lâm sản trái phép nên lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra.
Nghề lâm nghiệp phải dành cả ngày đêm ở rừng, luân phiên trực 24/24. Không ít lần, anh Ảnh cùng đồng nghiệp giáp mặt với những đối tượng lâm tặc manh động, liều lĩnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và bản lĩnh "người giữ rừng", hàng chục năm nay, cả đội đã bám rừng, tuyên truyền để người dân hiểu, cùng chung tay bảo vệ rừng.
Anh Ảnh và các đồng nghiệp vẫn trăn trở nghề giữ rừng nhiều vất vả, trực 24/24, gần như không có ngày nghỉ, lễ, Tết mà đồng lương chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, có lúc không đủ cho ăn uống, sửa chữa xe.
"Năm nay, công ty thưởng mỗi nhân viên một triệu đồng và cho nhận sớm một tháng lương để sắm sửa Tết. Anh em cũng vui nhưng lo ra Tết lại không có tiền trang trải cuộc sống", anh Ảnh tâm sự.
Những ngày Tết, anh Ảnh cùng đồng nghiệp là Nguyễn Thành Thật dậy sớm hơn mọi ngày để lên cánh rừng Đê Kôn tuần tra. Dưới cơn mưa rừng, hai cán bộ lâm nghiệp len lỏi trên con đường mòn, người đi, người đẩy xe mới lên được đỉnh núi.
Những người giữ rừng lặng lẽ trèo đèo, lội suối với chiếc xe cà tàng. Hành trình "bên vực, bên suối" không ít lần đã khiến các anh gặp nạn. Để vượt được khó khăn, cán bộ nhân viên trong trạm phải động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Dừng lại bên suối, hai cán bộ trạm kiểm lâm lấy nắm xôi đã nguội, chấm muối vừng mang theo, ăn tạm cho qua cơn đói giữa rừng.
"Thanh xuân lưu giữ ở cánh rừng"
Hơn 37 năm nay, ông Đinh Xuân Phố (60 tuổi, trú tại TP Pleiku, Gia Lai, cán bộ thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai, huyện Ia Grai, Gia Lai) thường xuyên vắng nhà trong dịp Tết, cùng đồng nghiệp lăn lộn giữ rừng.
Ông Phố đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, nhiều kỷ niệm với nghề. Những năm gần đây, người làm trong ngành lâu năm như ông Phố cũng xót xa khi thấy người trẻ không mặn mà với nghề vì quá vất vả, nguy hiểm mà lương lại thấp này.
Mỗi mùa Tết, ông thường xung phong trực để cho anh em được tranh thủ về đón xuân cùng gia đình.
"Những ngày Tết, anh em trong đơn vị được thưởng 300 nghìn đồng. Số tiền tuy ít nhưng cũng phần nào động viên anh em cùng nhau ở lại trực, thực hiện nhiệm vụ. Thấu hiểu những phút tâm tư dao động, nhớ nhà của đồng nghiệp, nên hàng năm tôi cũng thường chuẩn bị mâm cơm Tết để cùng anh em quây quần giữa rừng đón Tết" - ông Phố kể.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Vũ (51 tuổi, Phó trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh) đã dành 27 năm thanh xuân trong ngành lâm nghiệp.
Đã hơn 27 trong nghề nhưng đến nay lương anh cũng chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, số lần anh Vũ về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Toàn bộ thời gian của anh là chuỗi ngày cùng đồng nghiệp len lỏi giữa những cánh rừng già.
Anh Vũ bộc bạch, Tết năm nay, UBND tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp 300 nghìn đồng, hơn năm ngoái 100 nghìn đồng. Cơ quan cũng động viên, hỗ trợ nhu yếu phẩm để cùng anh em đón Tết.
Dịp Tết là thời điểm "nóng" tình hình lâm tặc nên cơ quan cũng phải đảm bảo trên 50% quân số trực. Tại trạm đã có 2 người phối hợp cùng tổ giao khoán của xã Hà Tây tăng cường tuần tra.
Xuân về, những cánh rừng Tây Nguyên đang đâm chồi, nảy lộc. Khắp rừng ngào ngạt mùi hương hoa pơ-lang, những cánh rừng thấm mồ hôi, nước mắt của những nhân viên quản lý bảo vệ rừng.