Sóc Trăng:
Những người phụ nữ tay phồng rộp, vai trầy xước và lấm lem vì than
(Dân trí) - Nhiều phụ nữ mặt mũi lấm lem, tay phồng rộp và chảy máu vì lao động trong nhiều lò than củi tại Sóc Trăng. Vất vả là vậy nhưng họ vẫn tất bật làm việc vì mưu sinh.
Làng nghề đốt than Xuân Hòa nằm dọc theo bờ sông Cái Côn và sông Kinh thuộc xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Theo những bậc cao niên trong làng, những lò than đã tồn tại ở đây đến cả trăm năm. Than ở đây chủ yếu được đốt từ gỗ các loại cây ăn quả đã qua thời cho trái như nhãn, chôm chôm, bưởi…
Những đôi vai không mỏi
Nơi làm việc của những thợ than có không gian ngột ngạt, hơi nóng hầm hập, bụi bay mù mịt chẳng thấy mặt người. Không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, mọi người đến lò than đều có thể tìm được một việc phù hợp để làm, miễn có đủ sức khỏe.
Qua tìm hiểu của PV, thu nhập của người làm than được tính theo 2 cách, vác củi để làm than thì trả tiền công và vác củi tạp để đốt sẽ tính theo ghe rồi chia cho số người làm.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngờ đã làm nghề than được 11 năm. "Ngày nào cũng 4 giờ sáng là tôi thức dậy chuẩn bị cơm nước, một phần cho con, phần còn lại 2 vợ chồng mang theo đi làm than, tới 18h mới về nghỉ", chị Nguyễn Thị Ngờ vừa khuân lên vai bó củi "khủng" vừa tâm sự.
Vì nghề than ở Xuân Hòa đang sản xuất theo hình thức thủ công nên mỗi công đoạn đều phải có nhiều nhân công cùng làm, từ chất củi vào lò, bốc dỡ than, đến phân loại và khiêng xuống ghe giao cho thương lái.
Nam giới đảm trách những công việc nặng nhọc và khó khăn như khuân vác than. Những cần xé (sọt đựng than) nặng đến một tạ rưỡi phải đưa từ bến qua ghe trên những cây cầu ván tạm bợ, cần 2 người đàn ông lực lưỡng phối hợp nhịp nhàng mới vác qua được.
Phụ nữ sẽ làm những công việc nhẹ hơn như vác củi đốt hoặc củi tạp dùng để hầm than. Thông thường họ làm việc theo nhóm từ 2 đến 4 người. Công việc tuy không nặng nhưng lại yêu cầu chăm chỉ, chuyên cần hơn cánh đàn ông.
Ông Nguyễn Văn Thanh, một công nhân làm trong lò than chia sẻ: "Ở đây phụ nữ làm giỏi lắm. Họ vác củi không thua kém gì đàn ông. Một bó củi vác trên vai có khi nặng mấy chục ký cũng không hề hấn gì, đã thế còn đi băng băng trên cầu ván".
Đối với người làm than, những đồng tiền công này là khoản tiền duy nhất để duy trì cuộc sống, lo lắng và xây đắp tương lai tươi sáng cho con trẻ.
Đau nhức cơ thể
Nhìn những đôi tay gân guốc, chai sần với gương mặt đen nhẻm do nắng gắt và bụi bặm vẽ nên những hình hài khổ nhọc. Nhưng những sự vất vả đó không bằng những cơn đau nhức khắp cơ thể, thậm chí có những người bị bệnh mãn tính do bụi than.
Nỗi sợ lớn nhất của người thợ nơi đây là phải dỡ than khi còn nóng để phục vụ khách cần hàng gấp. Thường sau khi than chín, lò phải được ngưng đốt lửa ít nhất 15 ngày cho than nguội mới làm được.
Bước ra từ lò than, tay khệ nệ bưng chậu than vụn mới cào xong, lau bớt lớp bụi kèm mồ hôi dính bê bết trên mặt, chị Đặng Thúy Vân (47 tuổi) trải lòng: "Sợ nhất là dỡ than khi còn nóng, hơi nóng trong lò phả ra có người chịu không nổi xỉu luôn, mùi than nồng nặc xộc lên "ngộp" tận óc".
Cũng theo chị Đặng Thúy Vân, một lò có tới mười mấy tấn than. Nhiều người yếu vô lò dỡ than được một lúc là ngất xỉu. Có người chịu không nổi thì xuống sông trầm mình cho mát rồi lên bờ làm việc tiếp.
Cũng cảnh làm thuê nơi hầm lò, bà Nguyễn Thị Tám vẫn nhớ khi mới bắt tay vào công việc. Sau một ngày bốc vác, cơ thể bà đau nhức, bàn tay phồng rộp và chảy máu do bốc than nóng.
"Lò than chật hẹp, bụi nhiều vô kể, dù bịt mấy lớp khẩu trang bụi vẫn bám vào hốc mắt, khoang mũi. Hầu hết người làm than đều mắc bệnh đường hô hấp thậm chí có người còn khạc ra cả đờm màu đen", bà Nguyễn Thị Tám cho biết.
Theo bà Đinh Thị Tuyết Mai chủ một cơ sở sản xuất than ở xã Xuân Hòa, tại các lò than luôn có từ 10 đến 20 nhân công làm việc. Đa phần người làm than đều có cuộc sống khó khăn, không có hoặc có ít đất sản xuất.
Bà có tổng cộng 5 lò than, nếu làm hết công suất thì mỗi tháng sản xuất được hơn 60 tấn than thành phẩm. Nhưng hiện bà Đinh Thị Tuyết Mai chỉ cho hoạt động 2 lò, vì ảnh hưởng dịch của dịch bệnh Covid-19 khiến than tiêu thụ chậm.
Nghề ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe
Theo ông Lưu Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, tính đến nay toàn xã có 430 hộ làm nghề đốt than với 930 lò. Trong năm 2020 làng nghề sản xuất được khoảng 54.000 tấn than thành phẩm, tiêu thụ tại các thị trường TP HCM, Phú Quốc và Đài Loan…
Những năm qua làng nghề đốt than Xuân Hòa phát triển mạnh góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
"Tuy vậy, nghề sản xuất than vẫn còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân, phía địa phương mong rằng các ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ phương án cho các cơ sở sản xuất xử lý khói bụi", ông Lưu Quốc Thanh cho hay.