1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Nỗi lòng của shipper trong mùa dịch: Nguy cơ cao, thu nhập giảm

Tùng Nguyên Lại Hậu

(Dân trí) - Nhiều người nghĩ thành phố giãn cách xã hội, người làm công việc giao hàng (shipper) sẽ đắt khách. Nhưng thực tế nhiều shipper đang rơi vào cảnh giảm đơn hàng và đối diện rủi ro lây bệnh cao hơn.

Shipper lo lắng khi giao hàng trong mùa dịch

Đơn hàng giảm chứ không tăng

Tại trạm dừng xe buýt trước bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TPHCM), cứ hễ có xe nào dừng lại trả khách là chú Hồ Bảo Tín (64 tuổi) vội chạy tới hỏi dồn dập khách đi đâu. Chú quệt mồ hôi trên trán bảo: "Mấy hôm rồi ai cũng sợ dịch, người ta ít đi xe buýt, mà đi xe ôm càng ít hơn".

Chú Hồ Bảo Tín đã chạy xe ôm ở đây hơn 10 năm mà chưa thấy khi nào ế như dịp này. Thường mỗi ngày, chú chạy được tầm 10 cuốc xe kiếm được 200.000-300.000 đồng, nay thì mỗi ngày có được 2-3 cuốc xe đã là mừng.

Còn với những shipper giao hàng, tình hình cũng không khá hơn. Anh Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, tài xế chạy Grab) cho hay: "Lượng đơn hàng từ khi có lệnh giãn cách giảm nhiều hơn là trước đó nữa. Thu nhập sau một ngày trừ hết các khoản xăng xe còn chừng 120.000-200.000 đồng là nhiều".

Nỗi lòng của shipper trong mùa dịch: Nguy cơ cao, thu nhập giảm - 1
Cả người giao hàng lẫn người đặt hàng đều lo ngại lây lan dịch bệnh.

Anh Lê Hoàng Quốc (19 tuổi, tài xế chạy app Baemin) cũng cho biết: "Một ngày tôi chỉ chạy được chừng 25 đơn hàng, chủ yếu là mua đồ ăn vào các giờ cao điểm như giờ ăn trưa và giờ ăn chiều. Còn qua mốc thời gian đó hầu như không nhận được đơn nào nữa".

Anh Nguyễn Anh Tuấn giải thích thêm: "Nhiều hàng quán nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng, phải đóng cửa nghỉ dịch nên không còn đơn hàng của các cửa hàng này, lượng đơn cho shipper giảm đi phân nửa".

Lúc chưa có dịch thì ngoài giao đồ ăn trưa và chiều, anh Lê Hoàng Quốc cũng hay có đơn các loại thức uống như trà sữa của sinh viên, nhân viên văn phòng… Nhưng từ khi có dịch thì những đơn này mất hẳn, đơn giao hàng cũng không nhiều, doanh thu mỗi ngày giảm chứ không tăng so với trước dịch.

Anh Lê Hoàng Quốc cho rằng: "Đợt dịch này người dân đã có thông báo trước nên nhiều người chuẩn bị sẵn đồ ăn dự trữ, ít đặt đồ bên ngoài. Doanh thu của shipper mùa này cũng giảm đi, đơn hàng cũng ít dần chứ không có nhiều như mọi người tưởng tượng".

Nỗi lòng của shipper trong mùa dịch: Nguy cơ cao, thu nhập giảm - 2

Nhiều tiệm ăn đóng cửa nên đơn hàng giao thức ăn cũng giảm.

Lo ngay ngáy nhưng vẫn phải làm

Theo anh Lê Hoàng Quốc, không chỉ người dân lo ngại lây lan dịch bệnh khi đặt giao hàng qua mạng mà shipper còn lo lắng nhiều hơn. Bởi mỗi ngày họ phải tiếp xúc với rất nhiều người để giao nhận hàng hóa, mua thức ăn giùm, rồi chạy ngoài đường suốt…

Anh Lê Hoàng Quốc cho hay: "Những lúc vào các quán nhận đồ ăn mà có đông shipper đứng chờ thì tôi cũng "rét". Nhận đồ xong, tôi phải sát khuẩn ngay tại quán rồi mới đi giao tiếp".

"Có nhiều lúc tôi nhận đơn hàng giao tại chốt kiểm dịch luôn. Đứng đợi khách ở ngoài rào chắn mà run. Trước khi về là phải sát khuẩn nhiều lần, sợ về với gia đình thì lây", anh Lê Hoàng Quốc chia sẻ thêm.

Nỗi lòng của shipper trong mùa dịch: Nguy cơ cao, thu nhập giảm - 3
Sau khi giao xong đơn cho khách bên trong chốt kiểm dịch, các shipper lo lắng sát khuẩn tay ngay lập tức.

Để phòng tránh, hầu hết các shipper đều tự trang bị các dụng cụ như khẩu trang, bao tay, nước rửa tay khô, cồn sát khuẩn, kính chắn giọt bắn… Khi giao hàng thì ai cũng chú ý giữ khoảng cách an toàn với khách.

Chị Trần Huyền Trang (29 tuổi, nhân viên giao hàng của NowFood) cho biết: "Nhiều khi nhận đơn mua thức ăn giùm khách rồi mà đến quán thấy đông người tụ tập, không giữ khoảng cách là tôi cũng phải hủy đơn".

Một đơn hàng, chị Trần Huyền Trang có khi chỉ được 10.000 đồng tiền công, nhưng khi tự hủy đơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đánh giá tài khoản.

Tuy nhiên, chị Trần Huyền Trang vẫn chấp nhận hủy đơn vì "vào nơi không tuân thủ quy định giãn cách như vậy, lỡ tôi trở thành nguồn lây thì sao?".

Nỗi lòng của shipper trong mùa dịch: Nguy cơ cao, thu nhập giảm - 4

Chị Trần Huyền Trang tự trang bị kính chắn giọt bắn.

Chuẩn bị nhiều biện pháp phòng tránh như vậy nhưng các shipper vẫn không vơi bớt nỗi sợ lây lan dịch bệnh. Nhưng vì duy trì công việc mưu sinh, họ phải đánh đổi sức khỏe và an toàn của bản thân.

Chị Trần Huyền Trang trải lòng: "Tôi có con nhỏ nhưng đâu dám ở chung. Mẹ thì sớm hôm chạy ngoài đường, đâu thể biết được ra sao!".

Do đó, từ ngày TPHCM bùng phát đợt dịch mới, chị Trần Huyền Trang đành gửi con về quê cho ông bà chăm sóc dù bé còn rất nhỏ. Chị ở lại thành phố để lo kiếm tiền gửi về cho ông bà nuôi con.

Chị bảo: "Tôi có rủi ro gì thì chịu được, chứ người già với trẻ con đâu chịu được".

Chị Trần Huyền Trang lo lắng việc dễ bị lây bệnh vì cái nghề này phải tiếp xúc nhiều người trong mùa dịch. Nhưng chị không thể ngừng làm việc, vì ngừng làm thì lấy tiền đâu để gửi về quê cho ông bà nội nuôi con nhỏ.

Chị còn lo hơn khi lượng đơn hàng giảm, thu nhập giảm thì cũng không tiết kiệm được bao nhiêu để gửi về quê…