Quảng Trị:
Trồng sen kết hợp nuôi cá, nông dân thu lãi 200 triệu đồng mỗi vụ
(Dân trí) - Năm đầu mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá với diện tích hơn 2,5 ha, anh Lê Văn Cảnh (Quảng Trị) ước tính sẽ thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Những năm gần đây, tận dụng diện tích hồ nước, đầm hoang, đồng ruộng một vụ hoặc khó tiêu úng, nhiều nông dân tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sen.
Bước đầu, cây sen đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Xã Hải Lâm là địa phương có diện tích trồng sen lớn tại huyện Hải Lăng, với gần 37 ha, được người dân trồng chủ yếu ở những vùng thấp trũng. Bà con nơi đây chủ yếu trồng sen lấy hạt, dưới đầm nuôi cá và tạo cảnh quan làm du lịch cộng đồng.
Những ngày đầu tháng 6, hồ sen của anh Lê Văn Cảnh (39 tuổi, trú ở thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) đang thu hút gần 10 lao động làm công việc thu hoạch sen, chưa kể những người được anh thuê để tách hạt sen.
Theo anh Lê Văn Cảnh, trước đây hồ chủ yếu để trồng lúa, kết hợp nuôi cá nhưng năng suất và sản lượng không cao. Nhận thấy hiệu quả từ một số mô hình trồng sen trên địa bàn, tham khảo thêm thông tin, anh cùng ông Lê Lưu mạnh dạn thuê lại hồ nước với diện tích 2,5 ha, chuyển đổi sang trồng sen.
"Từ tháng 2/2021, gia đình tôi bắt tay vào trồng sen với chi phí khoảng 90 triệu đồng, gồm cải tạo hồ, mua giống, phân bón... Sau gần 5 tháng chăm sóc, thời điểm hiện tại đã bắt đầu thu hoạch", anh Lê Văn Cảnh cho biết.
Đây là năm đầu tiên anh thử nghiệm mô hình trồng cây sen kết hợp nuôi cá, nhưng hiệu quả bước đầu cho thấy, giá trị kinh tế mà cây sen mang lại rất khá. Với diện tích mặt hồ 2,5 ha trồng sen, anh Lê Văn Cảnh nhẩm tính, nếu thu hoạch hết sẽ đạt sản lượng từ 8-10 tấn hạt sen.
"Gia đình tôi mới thu hoạch được hơn 2 tấn hạt, nhưng nếu thu hoạch hết diện tích có thể đạt sản lượng khoảng 8-10 tấn hạt. Với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg, nguồn thu các sản phẩm từ sen sẽ đạt gần 300 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình sẽ thu lãi khoảng 200 triệu đồng", anh Lê Văn Cảnh phấn khởi cho biết.
Không chỉ bán hạt sen, hoa sen, anh Lê Văn Cảnh còn tận dụng cảnh quan hồ nước để tạo điểm tham quan, chụp ảnh cho người dân và du khách. Nhờ đó, đầm sen Trường Phước, xã Hải Lâm trở thành địa điểm mới, được rất nhiều người biết đến trong thời gian gần đây.
"Trung bình mỗi ngày, đầm sen Trường Phước đón từ 50-80 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Mình lấy từ 10.000-20.000 đồng/người/lượt, nguồn thu từ hoạt động này cũng được hơn 30 triệu đồng", anh Lê Văn Cảnh chia sẻ.
Hiệu quả trồng sen cao hơn nhiều các cây trồng cũ. Theo ông Lê Lưu (SN 1968), cây sen chỉ trồng được một vụ mỗi năm. Các sản phẩm từ cây sen cũng đa dạng như: Gương sen, củ sen, ngó sen, hoa sen… Hai chú cháu mới thử nghiệm vụ đầu tiên nhưng hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Cũng theo ông Lê Lưu, cây sen vừa tạo ra giá trị kinh tế cho gia đình, vừa giải quyết nhân công nhàn rỗi cho địa phương. "Đây là thời điểm chính của vụ thu hoạch sen, kéo dài hơn một tháng. Mỗi ngày, gia đình huy động nhân lực trong nhà và thuê thêm khoảng 5-7 người để hái sen, tiền công mỗi ngày từ 150.000-200.000 đồng", ông Lê Lưu nói.
Xong công việc đồng áng, chị Trần Thị Lan (thôn Trường Phước, xã Hải Lâm) thường đi làm thuê bóc vỏ tràm để kiếm thêm thu nhập. Những ngày qua, do nắng nóng nên chị nghỉ ở nhà đi bóc hạt sen thuê. Mỗi ngày chị bóc được khoảng 40 kg hạt sen, được trả công từ 100.000-150.000 đồng.
"Ngoài công việc nhà thì mình tranh thủ thời gian rảnh bóc hạt sen để kiếm thêm. Dù thu nhập ít nhưng công việc khá nhẹ nhàng", chị Trần Thị Lan nói.
Theo ông Lê Anh Quốc - Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, thời gian qua một số hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư trồng cây sen. Có thể nói, cây sen đã mang lại hiệu quả nhất định trên đất bỏ hoang như: ao, hồ, đất lúa khó khăn về tiêu úng.
Trước đây, cây sen truyền thống hiệu quả chưa cao. Bà con thử nghiệm giống sen hồng cao sản thì thấy năng suất, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ cũng khá ổn định có lãi ngay.
"Trồng cây sen chi phí thấp, hiệu quả, lại tạo công ăn việc làm cho người dân. Người trồng sen có thể bán hoa, hạt sen, có nơi bán ngó và một số địa điểm thuận lợi làm thêm dịch vụ", ông Lê Anh Quốc nói.
Hiện toàn huyện Hải Lăng có hơn 129 ha trồng sen. Địa phương khuyến khích những xã có điều kiện, tận dụng ao hồ, mặt nước tự nhiên để trồng sen.
Một số hình ảnh về đầm sen của anh anh Lê Văn Cảnh: