Thanh Hóa:
Những người “buôn Tết” muộn
(Dân trí) - Chiều muộn ngày 30 Tết, tại nhiều tuyến đường của thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) trước đó thường là điểm tập trung lượng lớn hoa, cây cảnh phục vụ Tết đã gần như vẻ, chỉ còn lại một số người tranh thủ buôn chuyến cuối cùng của năm cũ với mong muốn kiếm thêm ít tiền.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực đường mới, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa thường là điểm bán hoa, cây cảnh lớn của thành phố Thanh Hóa. Nếu như thời điểm đầu giờ tối 30 Tết năm ngoái, tại khu vực này, cảnh mua bán quất, đào đang nhộn nhịp thì năm nay chỉ lác đác vài người còn cố đứng bán những cây đào, cây quất cuối cùng.
Theo quan sát, đào còn lại chủ yếu là những cây đào lai Nhật Tân có giáng nhỏ, giá dao động từ 150 - 200.000 đồng/cây. Việc mua bán đào, quất chiều muộn 30 Tết cũng diễn ra rất nhanh chóng vì ai cũng vội để trở về với gia đình trong bữa cơm tất niên.
Ông Thành, một người bán đào ở phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: “Nhiều người cũng lạ, ngày rộng tháng dài, đào, quất nhiều thì không đi mua, cứ đợi đến hết ngày rồi mới đi mua. Vườn nhà tôi cũng chỉ còn hơn chục cây, vợ chồng tôi mang ra đây bán nốt kiếm thêm ít đồng”.
Trước đó, tại khu vực Quảng trường Lam Sơn là nơi tập trung bán hoa, cây cảnh ngày Tết lớn nhất xứ Thanh thì đến chiều 30 Tết phải dọn dẹp để nhường chỗ cho hoạt động nghệ thuật chào xuân. Như mọi năm, những người chưa bán hết hàng thường di chuyển ra các khu vực khác của thành phố Thanh Hóa để tiếp tục kinh doanh.
Tuy nhiên, dạo quanh các tuyến phố chính của thành phố Thanh Hóa dường như đã vắng bóng đào, quất cũng như các loại hoa, cây cảnh khác. Tại khu vực trước cổng Công viên Hội An còn lại hai điểm bán quất mi ni. Thương lái không trưng bày quất xuống mà để cả trên xe ô tô bán, mỗi cây quất có giá khoảng 250.000 đồng, nếu mua cả chậu là 300.000 đồng. Những cây quất tươi rói, vừa được bứng lên nên được nhiều người ưa chuộng.
Còn tại khu vực đường Nguyễn Trãi, cũng là điểm thường tập trung nhiều đào, quất, nhưng năm nay chỉ còn lác đác một số người buôn đào dạo từ huyện Triệu Sơn mang đến bán. Anh Trần Văn Nghị, ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Năm nay đào bán không ăn thua lắm, sáng giờ đây là chuyến thứ ba tôi chở đào từ nhà xuống phố bán, mỗi chuyến cũng chỉ mong kiếm vài trăm bạc. Bán chiều đến giờ còn lại một cành nữa đang đứng thêm tý nữa bán cho xong để về còn lo đón giao thừa với gia đình nữa”.
Duy Tuyên