Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Bát cơm ở gần bát máu!
Quả thật là ngậm ngải tìm trầm từ thượng cổ đến giờ, vẫn là nghề đánh cược mạng sống của mình với sơn lam chướng khí, với thủy hỏa đạo tặc để có đường miếng cơm manh áo, phục vụ thú chơi sa hoa đôi khi rất mù quáng của giới nhà giàu.
Giờ đây, thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, địa bàn tìm trần với các "vựa" mở rộng ra tầm quốc tế, thì hiểm họa dù có khác hơn, song vẫn không kém phần nguy hiểm. Nói như vợ phu trầm Hoàng Văn L. (thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là: bát cơm ở gần bát máu, nhà bác ạ.
Anh ấy mà chết ở rừng nước ngoài, tôi giữ cái này làm kỉ niệm
Khi chúng tôi đến, anh L. và vợ đang bày kín nền nhà toàn gỗ khúc với phay gỗ cây gió bầu mỏng tang trắng ngà, rồi thuốc lào điếu ục, trà mạn trà tươi. Anh làm thông tầm, ăn tạm gì đó sau lại làm tiếp.
Công việc là: đi quanh, đẽo quanh, ngắm quanh các khúc gỗ còn tươi mà dùng các dùi gỗ sắc nhọn ở đầu gọt đẽo dần bỏ các thớ gỗ đi. Gọt thật mỏng và thật khéo, để làm sao chạm tới và giữ nguyên nhiều nhất được các dấu hiệu của trầm hương đắt đỏ và quý giá ở trong gỗ (cây gió bầu).
Tóm lại, do các vết thương của cây gió bầu ở trong rừng, qua thời gian, mưa gió, sâu đục hay các hiện tượng được coi là bí ẩn nào đó, "nỗi đau" đã kết tinh thành trầm. Người ta vẫn ví, như nỗi đau đời người kết tinh thành bài thơ trác tuyệt, như con trai bao bọc vết thương trong cơ thể nó rồi nỗi đau ấy biến thành ngọc báu dâng cho đời.
Tôi bảo, trầm tự nhiên đấy chứ. Anh L. ngửng lên: "Ở nước ngoài họ cấy vi sinh vào cây gió bầu và chờ vài năm để chúng biến thành trầm, tôi gọi đó là "trầm nuôi", "trầm vi sinh - hóa chất". Còn bọn tôi, đi vào rừng Việt Nam lấy cây này ra rồi soi kĩ. Ai mua, 9 triệu thì tôi bán".
Anh L. mang ra một gói gồm kỳ nam, trầm hương Việt Nam, Malaysia, Thái Lan; kèm theo răng, nanh và móng hổ. "Con hổ này tôi giết được ở Malaysia, giữ cái nanh của nó làm quà cho vợ. Vợ trừ tà ma và gặp nhiều may mắn. Con này chỉ 60kg, con bắt sau đó là 150kg, to lắm!".
Chị vợ nhanh nhảu "bố quà cho mẹ (ý nói là vợ làm quà cho chồng), giờ mẹ có quyền bán", 11 triệu thì tôi bán. Anh L. bần thần: "Bán thì mất kỉ niệm chứ, 11 triệu đồng tiêu hết ngay. Tôi thừa sống thiếu chết trong các cánh rừng đó…".
Chị vợ khóc: "Tôi đã nghĩ, bát cơm đặt gần bát máu, anh ấy ở Thái Lan, ở Malaysia mà chẳng may bị bắn, bị cây đổ hay hổ vồ chết thì tôi giữ vài món quà này làm thứ để tưởng nhớ anh ấy. Cơm áo mà, phải chấp nhận thôi".
Như các cụ nói, dù lấm láp và phạm pháp, thì vẫn phải công nhận: phong trào đi kiếm lâm thổ sản ở nước ngoài cũng đã thành cái nghề của nhiều người nơi này. Khi dịch bệnh Covid-19 hoànhành h, không bay nhảy tứ tán được nữa, anh L. ở nhà và tai họa ập đến với thiên nhiên quanh anh.
Các khúc gỗ nghi có trầm to đùng này là đẵn ở rừng gần Vườn Quốc gia, con gấu đực bị bắn chết bởi thợ săn trong làng mà họ vừa ăn thịt, cắt tay gấu, nấu cao xương gấu đem bán, cũng là ở rừng Việt Nam.
Vợ ông H.V.L ở thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cầm trên tay chiếc nanh hổ do chồng đi tìm trầm, bẫy được tại nước ngoài. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt
Chị vợ anh L. bảo: Vào rừng, "chộ" (gặp, bẫy được) một con gấu đực, còn con gấu cái và gấu con, đang bắt nốt. Tôi giả đò hỏi mua tay gấu, chị vợ bật loa điện thoại lên, gọi cho thợ săn, hai bên trao đổi rành mạch.
Thời gian đi ở rừng Thái Lan, rừng Malaysia của anh L. thì "hoành tráng khỏi nói".
Nếu không bị bắn chết, bị bắt, "chạy qua cò" cũng mất 400 triệu đồng
"Chúng tôi đi vào rừng "Công chúa" của họ. Họ gặp và vác súng bắn luôn. Tôi chạy thoát nhiều lần. Làng này có hai anh bị bắn chết, giờ nhìn di ảnh của họ trên bàn thờ đau lắm. Ngẫm, tôi lại thấy mình còn được may mắn nhiều.
Tôi đã từng bị bắt đi tù ở nước ngoài. May là tôi biết tiếng của họ do thời gian dài làm ăn bên đó, nên liên lạc với "người quen" và chạy (lo lót, bôi trơn) được. Gần hai trăm triệu đồng bỏ ra thì án nhẹ hơn. Chứ bình thường, qua cò là hơn 400 triệu đồng tiền xử phạt mà vẫn phải ngồi tù".
Đi tìm trầm ở nước ngoài là đi theo "mối", không ai biết đường hay có đường dây cung cấp, tiêu thụ để mà tự ý làm hộ chiếu rồi vác dao dựa vào rừng ngoại quốc ở cả tháng cả năm được. Thế nên, họ phụ thuộc vào các ông bà chủ.
Thường thì họ làm ăn lâu năm bên đó, có người quen thân kết hôn bên đó, hoặc họ biết tiếng và từng làm phu trầm tận khổ, giờ có kinh nghiệm, có đầu mối và có tiền nên "tự nâng cấp" mình thành ông chủ.
Nếu không có da hổ, tay gấu, đủ các bộ phận được bán trái pháp luật và rất đắt đỏ trên chợ đen của thú rừng quý hiếm mà anh L. cùng các phu trầm trưng ra thì có lẽ câu chuyện của họ thật khó tin. Nếu không có các cuốn hộ chiếu đóng dấu đầy đủ các quốc gia và các hành trình, thì tôi và độc giả chắc nghĩ các phu trầm này… chém gió.
Soi trầm cực nhọc, ngồi gọt cây gió bầu suốt đêm ngày, sau cả năm cả tháng lẩn lút trong các cánh rừng vùng Đông Nam Á. Ảnh trầm và dụng cụ soi trầm tại nhà ông H.V.L ở thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chụp tháng 11/2021: Dân Việt
Anh L mân mê các cái nanh hổ và các cục trầm hương, kỳ nam, gỗ sưa bỏ trong két sắt, mà rằng: "Tôi, lắm lúc cũng chấp nhận để tin rằng, chưa chắc mình đã sống về với vợ con nổi. Nhà tôi vẫn nghèo, chưa xây chát xong, hằng ngày vẫn đi vào rừng tìm trầm và săn thú. Lúc ở Malaysia, chưa bẫy được con hổ thì tìm mọi cách rình, giăng bẫy dây cáp bằng được. Lúc nó bị bẫy rồi thì mình sợ chết khiếp".
"Có khi, cả ngày, dùng gậy đánh, cả nhóm cùng đánh, đánh mọi cách mà con hổ không chết. Nó gầm lên, nó tát, vả, nó trợn mắt, nhe răng, phè bọt mép. Con hổ hoang hung dữ, nặng gần hai tạ đó, mà sổng ra khỏi sợi dây phanh xe máy đang thít vào chân nó, thì mình chắc chắn sẽ phải chết.
Cả đoàn chúng tôi nằm gục xuống vì kiệt sức sau "trận chiến" với Chúa Sơn Lâm. Tiếp đến là xả thịt, nấu cao. Răng, nanh, móng, bánh chè mắt phượng, da hổ… cứ thế chia nhau", anh L. kể.
Rừng thiêng nước độc, "phá sơn lâm, đâm hà bá" là cái nghề bạc và độc. "Một bộ xương hổ bọn tôi bẫy được, giá bán lén bán lút là 500 triệu đồng. Nhưng, cảnh họ vác súng lùa đuổi, cảnh tù tội mình phải gánh, những ban thờ với phu trầm bạn tôi, anh Thái rồi anh Lương về nước trong cỗ quan tài "trữ đông" thân thể. Đều ở làng này.
Họ chết quá trẻ do ra nước ngoài tìm trầm, tôi chứng kiến và rất sợ hãi. Nhìn vợ dại con thơ của họ nheo nhóc, tôi thật sự muốn bỏ cái nghề này, nhưng…", anh Lâm bỏ dở câu nói.
Ngoài một số chủ trầm giàu kếch sù lên, thì hầu hết phu trầm nghèo vẫn hoàn nghèo sau quá trình dài cược mạng sống lấy miếng ăn ở xứ người. Ảnh-chụp tháng 11/2021 tại nhà ông H.T.C thôn Gia Hưng, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: Dân Việt
Cuối xóm là nhà ông H.T. Ch., ông này giàu nứt đố đổ vách, nhà ốp toàn gỗ quý cả sàn lẫn trần, lẫn bờ tường. Ông còn sưu tập loa đài băng đĩa cổ. Nổi tiếng trong giới buôn bán trầm, ông nói không thôi về trầm hương đắt đỏ, giá tiền tỷ. Các bức ảnh thiên la địa võng cây gỗ có trầm được đẽo gọt cầu kỳ, có khi như trái núi, có khi như đám mây, có khi cao hai ba mét giá vài trăm triệu đồng được trưng ra. Ngã giá.
Ông cũng nói về cao hổ, tay gấu, "bánh chè" hổ giá (chợ đen) vài chục triệu đồng. Cuối cùng là mánh lới để đi nước ngoài "bát cơm đọi máu". "Họ khổ lắm, chộ (gặp) là lực lượng bảo vệ rừng ở các nước Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc họ sẵn sàng nổ súng. Có khi con hổ, con gấu họ gắn chíp bảo vệ rồi, có khi chặt hay cái cây quý giá trong rừng cấm của họ là bị án tù kiểu "mạng cây đổi mạng người".
Chuông nguyện hồn… trầm
Đánh cược sự an nguy mạng sống của mình để đẵn cây trong rừng già tìm trầm, đào đất sâu bới gốc cây gió bầu (trầm cội). Nhưng, có được trầm quý rồi, lại phải bán tống bán tháo cho đầu nậu các đường dây thu gom. Họ ép giá rẻ lắm.
Nhưng phu trầm không có sức, không có "cửa", cũng không có phương tiện, càng không có sự to gan để khiêng gỗ có trầm về nơi tập kết hay về Việt Nam. Là bởi vì, bị phát hiện có khi cơ quan bảo vệ rừng sở tại bắn hạ ngay bất kỳ kẻ nào tháo chạy. Ở lại thì dính tù, tiền chuộc thì cũng toàn ở mức phải… bán nhà mới có.
Để tìm được những khúc trầm hương như thế này nhiều phu trầm đã phải bỏ mạng ở nước ngoài. Ảnh những khúc trầm tại nhà ông P ở thông Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: Dân Việt
Tính mạng người ngậm ngải tìm trầm, dù sờ vào và sở hữu "linh khí của trời đất" (trầm hương) thật đấy, song chẳng có được tí bùa hộ mệnh nào. Và ít đồng bạc lẻ cũng chẳng đủ để cuộc sống của họ và gia đình sung túc hơn, dẫu sau ngót chục năm nổi nênh lang bạt trong rừng xanh núi hiểm xứ người.
"Gớm, toàn hàng cấm, họ soi một phát là biết ngay", tôi giả đò phản biện; ông H.T. Ch. thủng thẳng: "Soi thì soi, đó là việc của họ, họ bắt mình hay không, đó là việc… mình phải làm. Trừ khi hàng có chứa ma túy là tôi không qua được thôi!".
Nguyễn Văn O., một phu trầm từng bị tù 5 tháng ở Malaysia kể về hành trình vật vạ ngủ ngồi, 50 người bị "nhốt" trong một căn nhà để lẩn trốn, rồi chờ đầu nậu đánh xe đến đón, thả vào rừng. Chỉ với bao gạo, gói muối, thêm cây dao cây dựa, họ leo núi luồn rừng, đi tìm trầm. Thế rồi cảnh sát sở tại ập đến, O. vào tù. Mãn hạn tù, bà mẹ nghèo vay mượn được 500 đô la (hơn 10 triệu đồng) mua vé máy bay cho "khách du lịch" trong rừng có cây gió bầu hồi hương.
Lúc cao điểm, theo thống kê, chỉ trong 2 năm, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có tới 16 phu trầm tử nạn xứ người.
Có thôn, đầu năm 2 người bị đá đè, hổ tát, gấu vồ - chết thảm; tháng 8 cùng năm đó, lại thêm 2 người bị bắn chết ở Thái Lan do vi phạm nghiêm trọng các quy định bảo tồn của bạn.
Một nhóm đối tượng người Việt khoe "chiến tích" đi săn lợn rừng và nhiều loại hoang thú khác ở Malaysia! Ảnh: NQ
Các cái tên như Bùi Văn Q (SN 1976); Ngyễn Văn Tr (SN 1982)… lần lượt thêm vào danh sách tử nạn do "ngậm ngải tìm trầm". Bà Phạm Thi Ch. có cả chồng và con rể từng bị tù ở Thái Lan. Nhưng họ còn may mắn hơn hai phu trầm hôm đó đã ù té chạy và bị bắn chết… Đó, quả là hồi chương thống thiết nguyện hồn những con người xấu số đổi mạng để mưu sinh.
Ông H.T. Ch. và nhiều "chủ" các đường dây đưa "quân" đi nước ngoài dưới danh nghĩa khách du lịch để khai thác trộm lâm thổ sản, đều tiết lộ: họ chỉ việc bay vào TP HCM hay các sân bay, hải cảng quốc tế nhận hàng về và ăn lãi thôi. Có sang nước ngoài "điều binh khiển tướng" thì họ cũng ngồi xe hơi, ở khách sạn, chỉ tay năm ngón thôi. Phu trầm liều mạng mưu sinh thì ông hiểu.
Sản phẩm được chế tác bằng trầm hương có nguồn gốc từ nước ngoài tại cơ sở của ông V.B., xã Gia Ninh, huyện Võ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Dân Việt
Một cán bộ lãnh đạo, nhiều năm gắn bó với ngành nội vụ của tỉnh Quảng Bình (đơn vị tiếp nhân thông tin về việc người sở tại đi tìm trầm và bị bắn, bị bắt ở nước ngoài) cho biết: Người ta xuất cảnh đi Lào, Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhiều là vì các cánh rừng ở bên đó là rừng nguyên sinh nhiều trầm và lâm thổ sản.
Lại thêm, dân vùng đấy người ta hầu như không biết khai thác trầm. Thấy điều đó, một số người đã nhanh nhạy đưa "quân" sang kiếm món hời. Ban đầu chỉ là một số nhỏ thôi, xong rồi cứ trong thôn trong xóm mách nhau, phong trào đi lên cao, chính quyền địa phương phát hiện sự khác lạ. Một số trường hợp bị bắn, bị bỏ tù, được thông báo về địa phương.
Về mặt ngoại giao thì các cơ quan đại diện tiếp nhận xử lý thông tin rồi gửi về Quảng Bình để xác minh. Chúng tôi tiếp nhận thông tin từ Sứ quán bạn theo từng đợt. Gần đây bà con ít đi tìm trầm ở nước ngoài hơn do các biến động bất lợi của thị trường (trầm cạn kiệt và giá rẻ đi) và cũng do cuộc sống ở hậu phương ổn định hơn nhiều rồi.
5 người bị thảm sát kinh hoàng, 5 người cách tử thần một… nốt nhạc
Toán phu trầm 7 người quê ở Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gặp đại họa. 5 thợ trầm là Đinh Xuân Thân, Trần Văn Trị, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sáu, Trương Thanh Hiền bị toán cướp có trang bị súng AK giết chết dã man - ở vùng biên giới Việt Lào - cách đây chưa lâu - là một nỗi ám ảnh lớn với bất kỳ ai. Chứ không chỉ riêng các phu trầm lang bạt kì hồ xuyên quốc gia. 6 người bị bắt trói, duy nhất anh Đỗ Văn Hiền phá đứt dây trói và chạy thoát.
5 tráng đinh vô tội bị trói trật cánh khủyu, bắt quỳ trên miệng hố, các đối tượng dùng gậy chết (nát nhiều phần thi thể) rồi lấp đất chôn. Anh Hoàng Văn Hà, người được thả về để lấy tiền chuộc (cùng đoàn với 5 người bị giết kể trên) đã chưa kịp quay trở lại "nộp mạng", nên sống sót. Vì toán cướp khai với cơ quan điều tra, là: chúng lên kế hoạch nhận được tiền, sẽ giết tất cả những người liên quan để "bịt khẩu".
Chưa hết, trước đó một ngày, 3 phu trầm khác là Hoàng Lê Dũng, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Minh Tuấn ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thoát chết trong gang tấc trước các sát thủ máu lạnh, khi may mắn nháy nhau tìm cách mở dây được trói và chạy thục mạng mấy tiếng đồng hồ từ Lào về đến đất Việt Nam.
Hồ Văn Thành bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ sau gần 170 giờ chạy trốn. Ảnh: Dân Việt
Những con "thú đội lốt người" là Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành, Hồ Văn Nguyên (La Khon) sau khi giết 5 phu trầm kể trên, đã sa lưới pháp luật.
Từ lời khai, dư luận đã một phen hãi hùng vì cách xuống tay tàn độc của chúng. Hai sát thủ, oái oăm thay, Hồ Văn Thành là con của một cán bộ cấp phòng quan trọng của huyện Hướng Hóa, đã nghỉ hưu. Hồ Văn Công là con của Phó Chủ tịch đã nghỉ hưu của xã Hướng Việt (cùng huyện).
Theo nguồn tin, nhiều toán cướp có vũ trang, thậm chí một số kẻ tha hóa còn bóc lột, trả thù lẫn nhau bằng cách phím hay phối hợp cho đạo tặc chiếm đoạt tài sản và lâm thổ sản (trầm và thú rừng quý hiếm) của các dân phu lương thiện. Một phu trầm khóc: không được trầm thì buồn, được trầm thì lo, vì sẽ có kẻ dò biết rồi ủ mưu chặn cướp hàng, có khi mất mạng oan vì trúng mánh.