Ninh Bình:

Những lao động "trên trời rơi xuống" mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát

Thái Bá

(Dân trí) - Nhiều người lao động tại các bến, bãi ở Ninh Bình mỗi ngày làm việc hơn 10h trong môi trường bụi bẩn, không có bảo hộ, không có bảo hiểm xã hội. Họ như những lao động "trên trời rơi xuống".

Bám bến cảng mưu sinh

Thời điểm trung tuần tháng 5, tỉnh Ninh Bình hiện có hàng trăm bãi tập kết, bến cảng than, cát và vật liệu xây dựng dọc theo các tuyến sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc. Khu vực nhiều bãi cát, bãi than nhất thuộc phường Bích Đào, xã Ninh Phúc (TP Ninh Bình) và các xã Khánh Phú, Khánh An (huyện Yên Khánh).

Tại các bến, bãi tập kết này có hàng trăm lao động làm thuê cho các chủ bến bãi, với đủ các loại công việc như: Lái máy xúc, máy cẩu, xe nâng, điều khiển băng chuyền, xúc than, bốc dỡ hàng hóa, vật liệu xây dựng…

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 1

Tại Ninh Bình hiện có hơn 100 bến bãi, cầu cảng với hàng trăm lao động mưu sinh với các nghề liên quan như: Lái máy xúc, xe nâng, bốc dỡ hàng hóa...

Công việc trên cũng tạo ra nguồn thu nhập chính để nhiều người lao động duy trì cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học và có thêm để tích cóp mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Anh Đinh Văn Thanh (SN 1990, huyện Yên Khánh) đã làm nghề lái máy xúc cho bến cảng gần Khu công nghiệp Khánh Phú được 3 năm nay. Công việc chính của anh là điều khiển máy xúc bốc cát, sỏi, xi măng đá nhỏ từ trên bờ xuống các tàu và từ dưới tàu lên bãi tập kết cho xe chở đi.

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 2

Để kiếm được đồng lương hàng tháng, nhiều lao động phải vất vả mưu sinh từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Có những người phải làm việc hơn 10h/ngày.

Hàng ngày, anh Thanh làm việc từ 6h cho đến khoảng 20h. Mỗi tháng, số tiền công anh nhận được từ 8 - 10 triệu đồng, tạm đủ trang trải cuộc sống của 2 vợ chồng và 2 đứa con.

Cũng như anh Thanh, anh Trần Văn Phúc (SN 1985) hơn 1 năm nay công việc chính là điều khiển hệ thống cẩu điện bốc cát và các loại vật liệu xây dựng cho ông chủ cảng.

"Trước kia tôi làm nghề lái máy xúc cho các công trình xây dựng cầu đường. Tuy nhiên, do Covid-19 nên tôi bị thất nghiệp, về nhà đi tìm và xin việc nhiều nơi, sau đó vào làm công việc tại đây", anh Phúc cho hay.

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 3

Nhiều người phải "đổ mồi hôi, sôi nước mắt" mới có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống.

Cũng theo anh Phúc, công việc tại đây cũng cơ bản ổn định, thu nhập cũng cao hơn một số nghề khác tại địa phương trong thời điểm dịch Covid-19 này.

Tiền lương là vậy, nhưng nguyện vọng lớn nhất của anh Phúc, anh Thanh và nhiều người khác đang làm việc tại các bến bãi là được gắn bó lâu dài với công việc, được chủ sử dụng ký hợp đồng lao động và đảm bảo các quyền lợi chính đáng khác.

An toàn lao động còn bị "bỏ ngỏ"

Theo tìm hiểu của PV, tại các bến, bãi tập kết than, cát, vật liệu xây dựng ở những khu vực cảng lớn ở Ninh Bình, hình thức giao kết lao động chủ yếu vẫn là thỏa thuận theo các công việc cụ thể. Chỉ số ít trong các lao động được các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động và đảm bảo các chế độ lao động, như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 4

Đa số những người làm việc ở bến bãi, cầu cảng hay trên các tàu thuyền đều được thuê làm việc theo vụ việc. Vì thế, các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động đều không được đảm bảo.

Những bến, bãi chủ yếu có hình thức lao động trên, như: Phúc Lộc, Khánh Phú, Khánh An, Cầu Gián Khẩu. 

Khi được hỏi về việc có được ký hợp đồng lao động để đảm bảo các quyền lợi như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp? cả anh Thanh, anh Phúc và nhiều người khác mà PV tiếp xúc đều có chung câu trả lời là không.

Chị Đinh Thị Hoài (SN 1987), một lao động có nhiều năm làm thuê với công việc xúc, vét than rơi vãi tại bãi tập kết than ở cảng Khánh Phú, tâm sự: "Ông chủ bãi thuê nơi chúng tôi làm việc và đến tháng trả tiền công. Chúng tôi không ký hợp đồng lao động hay chế độ bảo hiểm xã hội gì cả", chị Hoài nói.

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 5

Những ngày hè, người lao động tại các bến cảng, bến bãi phải làm việc trong môi trường nóng bức. 

Theo anh Phúc, thực tế những người như anh xin được việc vào làm việc tại các bãi tập kết đều là thỏa thuận cá nhân giữa người lao động và chủ các bãi. "Đa phần các chủ bãi đều kinh doanh nhỏ lẻ, theo mùa vụ nên xin được việc làm, đồng lương phù hợp là chúng tôi nhận làm", anh Phúc nói.

Điều đáng nói, để nhận được những đồng tiền công vào cuối tháng, những người làm việc tại các bãi than, bãi cát ở Ninh Bình mỗi ngày phải lao động đều khoảng 10h trong môi trường bụi bẩn, môi trường ô nhiễm, không có bảo hộ lao động... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khi không may xảy ra tai nạn thì gặp phải rủi ro rất lớn.

Những lao động trên trời rơi xuống mưu sinh nơi bến tàu, bãi cát - 6

Lao động trong môi trường độc hại, nguy cơ xảy ra tai nạn cao nhưng không được chủ sử dụng lao động quan tâm đến công tác an toàn lao động.

Tại các bến bãi này, vấn đề về đảm bảo vệ sinh an toàn lao động đều đang bị "bỏ ngõ". Những người đang làm việc tại đây như những lao động "trên trời rơi xuống" khi không có bất cứ ràng buộc nào để được chủ sử dụng lao động đảm bảo các quyền lợi khi không may có bất trắc xảy ra.

Trao đổi với PV về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Thực trạng các lao động làm việc tại bến cảng, bến bãi bốc dỡ hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng đúng là vấn đề cần quan tâm và cần được thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn, chính sách cho các lao động đang làm việc tại đây".

"Thời gian tới, Sở sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra các bến, bãi này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động", vị đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho hay.