1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp ở Ninh Bình "đỏ mắt" tìm lao động

Thái Bá

(Dân trí) - Các doanh nghiệp tại Ninh Bình đang cần tuyển trên 16.000 người. Dù thông báo tuyển dụng nhiều tháng, nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế.

Đa dạng nguồn việc làm 

Thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình, trong quý I/2021, 42 lượt doanh nghiệp đăng ký 16.210 lượt chỉ tiêu tuyển dụng.

Ghi nhận của PV Dân trí tại một số khu công nghiệp lớn ở Ninh Bình, nhiều công ty ồ ạt tuyển dụng lao động để đáp ứng đủ các vị trí việc làm. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng được ít hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế.

Đặc biệt, việc tuyển dụng nhiều xuất hiện ở KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Tam Điệp, Cụm công nghiệp Phúc Sơn, Cụm công nghiệp Gia Vân.

Doanh nghiệp ở Ninh Bình đỏ mắt tìm lao động - 1

Nhiều doanh nghiệp ở Ninh Bình từ đầu năm đến nay liên tục thông báo tuyển dụng để tìm lao động.

Tại Công ty TNHH may Nenhsing Ninh Bình (tại KCN Khánh Phú, Ninh Bình), tình trạng biến động lao động diễn ra sau dịp Tết Nguyên đán.

Công ty hiện có trên 3.000 lao động, tuy nhiên sau nghỉ Tết nhiều công nhân không quay trở lại làm việc, thêm vào đó là các đơn hàng mới được ký kết nhiều vì thế đã thiếu lượng lớn lao động.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, công ty tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình để tuyển dụng gần 500 lao động.

Anh Cao Tiến Trang - Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết, để tuyển dụng được số lao động này, công ty đã gửi chỉ tiêu tuyển dụng đến Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình, thông báo tuyển dụng tại công ty…

Doanh nghiệp ở Ninh Bình đỏ mắt tìm lao động - 2

Do dịch Covid-19, chỉ có số lượng rất ít người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình tìm kiếm việc làm.

"Khi chúng tôi gửi thông tin tuyển dụng lên website của trung tâm, phần mềm này sẽ chuyển đường link tuyển dụng này tới những địa chỉ người lao động có nhu cầu việc làm trùng với nhu cầu tuyển dụng của công ty đã thực hiện đăng ký. Từ đó, giữa công ty và người lao động có thể chủ động liên hệ, phỏng vấn trực tiếp qua online. Hình thức này giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận được nguồn lao động cần tìm mà lại tiết kiệm được nhiều chi phí", anh Trang nói.

Chị Nguyễn Thị Lan, đại diện một công ty có khu du lịch ở Ninh Bình, cho biết, công ty cần tuyển dụng 20 lao động vào làm việc tại các bộ phận maketing, lễ tân, đầu bếp, nhiều tháng đăng thông tin tuyển dụng nhưng đến nay vẫn chưa tìm đủ.

Dịch Covid-19 gây khó

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã giới thiệu tuyển dụng được 612 người trong tổng số hơn 16.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình, thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp được đăng tải trên bảng tin điện tử, các bảng thông tin, trên webside của trung tâm thường xuyên. Tuy nhiên, số lượng người lao động tìm đến trung tâm, tìm kiếm việc làm từ các thông tin tuyển dụng rất ít.

Doanh nghiệp ở Ninh Bình đỏ mắt tìm lao động - 3

Trong số hơn 16.000 chỉ tiêu tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã tư vấn, giới thiệu cho hơn 600 người tìm được việc làm phù hợp.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn hoạt động sản xuất đã cơ bản ổn định trở lại, vì thế các doanh nghiệp cần tuyển lượng lớn lao động.

"Số lượng lao động cần tuyển dụng lớn, nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, nguyên nhân là do hiện nay trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn lao động tại chỗ. Một số công ty ở các khu, cụm công nghiệp tuyển dụng nhưng những lao động có nhu cầu việc làm ở khác địa phương, xa nơi làm việc vì vậy họ cũng không tham gia ứng tuyển. Điều này khiến các nhà tuyển dụng khó tuyển đủ lao động.

Đối với những lao động đang thất nghiệp và hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì vị trí, việc làm tuyển dụng lại không phù hợp với chuyên môn nên đa số các lao động thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm", ông Tùng nói.

Doanh nghiệp ở Ninh Bình đỏ mắt tìm lao động - 4

Các doanh nghiệp liên tục thông báo tuyển dụng, nhưng hiện nay vẫn đang "đỏ mắt" tìm kiếm lao động.

Khó khăn đối với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại Ninh Bình hiện nay là trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trung tâm dịch vụ việc làm vẫn chưa thể tổ chức được phiên giao dịch việc làm lưu động, chủ yếu vẫn là tổ chức phiên giao dịch online.

"Để tiếp tục là cầu nối giữa người cần việc làm với các doanh nghiệp, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn người lao động và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu lên website và thực hiện phỏng vấn, tuyển dụng dưới hình thức online, vừa giảm được chi phí, đồng thời đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch Covid-19", ông Tùng nói.

Chị Lê Thị Phương, Trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động cho hay, khi tham gia các phiên giao dịch việc làm online, các nhà tuyển dụng chỉ có thể trao đổi thông tin được với từng lao động, không thể cùng lúc tư vấn cho nhiều người như khi tuyển dụng trực tiếp, vì thế việc tuyển dụng càng khó khăn hơn.

"Với nhu cầu tuyển dụng cao, hình thức phỏng vấn trực tuyến, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nhanh chóng với ứng viên, giảm bớt các thủ tục rườm rà. Vì vậy, hình thức tuyển dụng này sẽ được các doanh nghiệp sử dụng lâu dài ngay khi dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi", chị Phương chia sẻ.

Theo ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình, đến hết tháng 3/2021, trung tâm tư vấn được 6.150 lượt người. Trong đó, tư vấn việc làm là: 2.462 lượt người; tư vấn việc làm cho lao động BHTN là: 3.688 lượt người. Trung tâm đã tư vấn các chương trình thuộc đề án xuất khẩu lao động cho 1.450 người, trong đó bộ đội xuất ngũ là 1.224 người.