Nhọc nhằn đập trôn ốc, người phụ nữ kiếm bạc lẻ mỗi ngày
(Dân trí) - "Cứ mỗi cân ốc đã đập trôn, tôi được trả 2 nghìn đồng tiền công. Tôi làm cả ngày giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 40.000 đồng, đủ rau cháo qua ngày", bà Cao Thị Dậu (Nghệ An) chia sẻ..
Buổi sớm giữa tháng 3, như thường lệ, cảng cá xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) lại lao xao, ồn ào trong tiếng tàu cập bờ và lẫn tiếng trao đổi mua bán. Lọt thỏm giữa không khí tấp nập người mua kẻ bán, bà Cao Thị Dậu (1956, xóm Đông Lộc, Diễn Ngọc) vẫn cần mẫn với công việc đập trôn ốc.
Nhát búa trên tay bà Dậu chuẩn xác và nhanh gọn giáng xuống đúng 1/3 thân dưới của con ốc vặn. Đống ốc bên cạnh cứ vơi dần theo từng nhát búa. Đập trôn ốc là nghề mưu sinh của bà từ 2 năm nay.
"Tôi một thân một mình, trước thì buôn cá, cũng đủ sống. Nay già rồi, không thức khuya dậy sớm đi lấy cá bán được nữa thì đập trôn ốc kiếm tiền", bà Dậu nói.
Những con ốc vặn dài 4-5cm, được các nhà hàng, quán nhậu thu mua để chế biến món ăn, đồ nhắm. Từ năm ngoái, để giảm bớt nhân công cho khâu chế biến, một số chủ nhà hàng hoặc lái buôn thuê người đập trôn ốc ngay ở cảng trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Công việc đập trôn ốc có từ đó.
"Thực ra không làm được gì nữa thì mới làm công việc này thôi. Ngoài tôi ra thì có mấy người nữa nhưng hôm nay ốc ít, không có người thuê nên họ ở nhà. Tiền công trả theo cân, cứ mỗi cân 2.000 đồng. Mỗi ngày tôi đập được khoảng 2 yến ốc, tính ra cũng chỉ kiếm được 40.000 đồng, đủ rau cháo nuôi thân", bà Dậu nói về cái nghề của mình.
Với đồ nghề là một chiếc búa, nhiệm vụ của họ là đập phần trôn ốc, nơi chứa phần ruột. Phần trôn ốc bị loại bỏ không được quá ít vì nếu thế khi chế biến, gia vị khó ngấm vào thịt ốc. Nhưng nếu quá tay, phần ruột ốc bị nát, thịt có thể bị rơi ra ngoài khi làm sạch và chế biến.
Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Cũng bởi thu nhập thấp nên chỉ những phụ nữ lớn tuổi mới chọn công việc này. Họ tận dụng luôn mặt bàn đã được lát đá ở cảng để làm việc.
Chẳng cần đến găng tay, bàn tay chai sần của họ cứ thế bốc từng nắm ốc đặt lên mặt bàn, dùng búa với một lực vừa đủ và chính xác để loại bỏ phần trôn ốc.
Thỉnh thoảng bà Dậu dừng búa, đưa tay phải lên xuýt xoa. Một miếng vỏ ốc đâm vào tay, đau điếng. Bàn tay người phụ nữ 65 tuổi chi chít những vết sẹo do "tai nạn nghề nghiệp" gây ra.
"Hôm nay ốc nhỏ, đập dễ hơn. Gặp bữa ốc to, lợi cân, đập nhanh thì cũng bị thương nhiều hơn vì miệng ốc lớn, sắc, vỏ lại cứng, có hôm cắt chảy cả máu", cầm chiếc búa lên tiếp tục với công việc, bà Dậu vừa làm vừa phân trần.
Công việc được bà ví von là như nhặt bạc lẻ nhưng với những phụ nữ ở độ tuổi như bà, thật khó để có sự lựa chọn tốt hơn.
"Chăm chỉ thì cũng không lo đói. Với lại tôi một thân một mình, không có nhu cầu chi tiêu gì nhiều. Thu nhập dù có thấp nhưng mình sống bằng chính sức lực của mình, không phiền hà hay gây gánh nặng cho ai. Chỉ mong trời thương, đủ sức mà làm việc thôi", người phụ nữ dừng tay, đấm bộp bộp vào phần thắt lưng cho đỡ mỏi rồi lại cần mẫn với công việc của mình.
Hoàng Lam