1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phó Tổng GĐ BHXH VN:

"Nhiều người chưa tham gia BHYT vì cho rằng còn ...trẻ và khoẻ"

(Dân trí) - “Cả nước hiện có 94 % học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Với 6% còn lại, tương ứng với khoảng 1 triệu người chủ yếu thuộc nhóm học năm thứ 2 ở khối các trường Trung cấp và đại học. Nhiều bạn trẻ chưa tham gia BHYT vì quan niệm sai lầm cho rằng còn trẻ và khoẻ..."

Toạ đàm trực tuyến về chính sách BHYT

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng GĐ BHXH VN chia sẻ thông tin tại buổi Toạ đàm trực tuyến về chính sách BHYT. Chương trình do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện chiều 25/6 tại Hà Nội.

"Khoảng trống" BHYT với 1 triệu học sinh sinh viên

Trả lời trước câu hỏi liệu còn khoảng 1,3 triệu học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Cập nhật theo tháng mới nhất cho thấy số lượng học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT đã giảm so với thống kê trên.

Cụ thể, năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu người, chiếm khoảng hơn 92 % số học sinh sinh viên; năm 2017 có trên 16 triệu người, chiếm trên 93 %; năm 2018 và hết 4 tháng năm 2019, cả nước có trên 17 triệu học sinh sinh viên tham gia BHYT, chiếm trên 94 %.

Nhiều người chưa tham gia BHYT vì cho rằng còn ...trẻ và khoẻ - 1

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN

“Như vậy tới nay, cả nước chỉ còn khoảng 6 % học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT, tương ứng với khoảng 1 triệu người. Dù con số này đã giảm so với trước đây nhưng là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ vì mục tiêu đưa con số tham gia lên mức 100 % theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, một trong những trở ngại lớn trong thực hiện chính sách BHYT là tâm lý “cậy sức khoẻ và tuổi trẻ” của nhiều học sinh sinh viên.

Không ít bạn trẻ còn chưa nhận thức việc tham gia BHYT cần thiết cho bản than, gia đình và xã hội. Không thực hiện nguyên tắc vàng “bảo hiểm khi trẻ, bảo hiểm khi khoẻ” để hưởng thụ và đề phòng lúc có tuổi và ốm đau bệnh tật.

Ngoài ra, việc triển kết hợp giữa BHXH VN - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách với các cơ sở giáo dục đôi khi còn vô tình tạo ra sự khiên cưỡng ở các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Cần sự linh hoạt 

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Việc nhiều học sinh sinh viên không tự giác tham gia chính sách BHYT thể hiện sự chưa ý thức quyền lợi cá nhân và trách nhiệm với xã hội.

Nhiều người chưa tham gia BHYT vì cho rằng còn ...trẻ và khoẻ - 2

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trong khi đó, học sinh sinh viên luôn được xác định là lực lượng nòng cốt và thế hệ cho tương lai.

“Thực tế triển khai chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhiều học sinh dù chỉ tham gia BHYT với số tiền trăm ngàn đồng nhưng đi khám chữa bệnh đã được Nhà nước hỗ trợ tới con số tiền tỉ” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách BHYT cần cởi mở hơn với học sinh sinh viên. Đơn cử như việc linh hoạt quy định để học sinh sinh viên có thể tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, qua đó có thể giúp giảm kinh phí tham gia.

“Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường sự phối hợp giữa 2 ngành BHXH và giáo dục trong thời gian tới để thay đổi sâu sắc hơn nhận thức của học sinh sinh viên, không để bất cứ một học sinh sinh viên nào không được tham gia chính sách BHYT” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT học đường từ 50% lên 70 %

Theo ông Phạm Lương Sơn, BHXH VN đang đề xuất với ngành giáo dục tăng cường hơn nữa các hình thức tuyên truyền đối với học sinh sinh viên; phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện và nhà trường; xây dựng chính sách đột phá về cơ chế tài chính khi tham gia BHYT ở nhà trường và hộ gia đình…

“Mức hỗ trợ học sinh sinh viên hiện tại là 50 % kinh phí tham gia BHYT. Tuy nhiên, học sinh ở hộ gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp, bãi ngang…cần được kết nối chặt chẽ hơn để tạo ra sự hỗ trợ tốt hơn. BHXH VN và Bộ Y tế đang nghiên cứu và có thể sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật BHYT theo hướng tăng mức hỗ trợ kinh phí cho nhóm học sinh sinh viên thuộc diện yếu thế nêu trên từ 50 % lên thành 70 %” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Hoàng Mạnh