Nhiều doanh nghiệp ngại tuyển dụng người khuyết tật
(Dân trí) - Luật lao động ban hành năm 1995 có nhiều điều khoản ưu tiên cho lao động khuyết tật. Tuy nhiên, sau 13 năm áp dụng, UBND TPHCM vẫn đánh giá: “Việc mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) vẫn còn nhiều khó khăn”.
Người khuyết tật vẫn vấp phải nhiều rào cản trong cuộc sống. (Ảnh: Tùng Nguyên)
Bộ Luật lao động đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng đến lao động là NKT, thể hiện ở những quy định riêng nhằm mục đích điều chỉnh tốt quan hệ lao động; dựa trên các đặc tính riêng của người lao động về tính chất, thể trạng, khả năng lao động... để bố trí công việc phù hợp; quy định tỷ lệ lao động là NKT mà doanh nghiệp phải tuyển dụng...
Nhưng trong báo cáo 44/BC-UBND của UBND TPHCM thì thực tế “vẫn tồn tại tình trạng nhiều đơn vị phân biệt đối xử đối với lao động là NKT”. Theo báo cáo này, do nội dung quy định hiện hành vẫn ở mức độ khái quát, chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và giám sát việc thực hiện các quy định trên.
Chị Dương Phương Hạnh, chuyên gia mảng khiếm thính của Chương trình Khuyết tật & Phát triển kể: “Hôm rồi tôi có dẫn một bạn khiếm thính đi tìm việc khắp các công ty, nhưng nơi nào vừa nghe là người khiếm thính cũng lắc đầu”. Theo chị thì không chỉ riêng người khiếm thính mà NKT nói chung hiện nay rất khó tìm việc, vì các doanh nghiệp ngại bố trí công việc phù hợp cho NKT.
Do vậy, sau 13 năm triển khai luật lao động, UBND TPHCM cho rằng: “Cần thiết phải xây dựng xây dựng hệ thống chặt chẽ các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động đặc thù: quy định nội dung, quy định chế tài, quy định về cơ chế giám sát... nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động khuyết tật được tốt nhất”.
Trong thời gian qua, TPHCM cũng đã có chủ trương tổ chức hướng nghiệp và dạy nghề cho NKT gắn với quá trình phục hồi chức năng, dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng, điều dưỡng xã hội. Tại TP, nhiều đơn vị bảo trợ NKT đã hoạt động rất hiệu quả như: Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thành phố, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố, Hội Thanh niên khuyết tật thành phố...
Tuy nhiên, UBND TP cũng nhìn nhận việc mở rộng cơ hội việc làm cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn. Trong số đó, trình độ văn hóa thấp, chưa có tay nghề hoặc có nhưng không phù hợp, khó khăn trong di chuyển, giao tiếp... là những khó khăn gây cấn nhất cần có biện pháp tháo gỡ, thay đổi.
Còn phía người sử dụng lao động thì có tâm lý e ngại sử dụng lao động là NKT vì phải đáp ứng những điều kiện về cơ sở vật chất, về tâm lý trong quan hệ lao động, về năng suất lao động... Dù chính sách đã có quy định phải ưu tiên tuyển dụng lao động là NKT nhưng thực tế là hệ thống chính sách về NKT chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ và rộng khắp.
Do đó, song song với việc hoàn thiện luật, UBND TP đề xuất trước mắt là tạo cơ hội tiếp cận nghề nghiệp và việc làm cho NKT đã có nghề. Kế đến là tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho những người chưa có nghề hoặc đang làm nghề tự do. Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng cao trình độ văn hóa cho NKT để giải quyết căn cơ vấn đề này.
Tùng Nguyên