1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực cho thanh niên nghèo

(Dân trí) - Thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức IM Japan để chính thức triển khai đào tạo cho thanh niên các huyện nghèo nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Ngày 7/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức IM Japan đã ký Thỏa thuận về đào tạo cho thanh niên nghèo Việt Nam để chính thức triển khai đào tạo cho thanh niên các huyện nghèo nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

 

Theo thỏa thuận này, những thanh niên trong độ tuổi từ 18 – 25, thuộc hộ gia đình nghèo, hoặc thuộc đối tượng hưởng chính sách xã hội theo quy định của chính phủ Việt Nam đã tốt nghiệp Trung học cơ sở sẽ được lựa chọn để tham gia chương trình đào tạo và sẽ được đài thọ tiền học phí, học phẩm, tiền ăn và ở nội trú trong thời gian học.

 

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và vượt qua kỳ thi cuối kì, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và sẽ được hai bên công nhận đủ điều kiện và được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam tại Nhật

Chương trình này được thực hiện theo Thỏa thuận ký ngày 11/10/2005 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản - IMM Japan (nay là Tổ chức phát triển nguồn lực quốc tế Nhật Bản - IM Japan).

 

Đây là chương trình phi lợi nhuận do Tổ chức dịch vụ công của Việt Nam thực hiện, chi phí thấp, nhưng thu nhập cao, được nhiều người lao động và địa phương quan tâm.

 

Theo quy định, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình này hầu như không phải đóng góp các khoản tiền gì mà chỉ tự chịu chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo tại Việt Nam; phải học tiếng Nhật (khoảng 1 tháng) để tham dự tuyển chọn, nếu đạt yêu cầu sẽ phải tham dự khóa đào tạo tiếng Nhật, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian 6 tháng trước phái cử và phải chi trả lệ phí khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa. Sau khi thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tập 3 năm và về nước đúng hạn, thực tập sinh sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 Yên/người để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp (200.000 yên/người/01năm).

 

Sau khi về nước, nếu có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, thực tập sinh sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng đại diện IM Japan tại Việt Nam giới thiệu để các công ty tuyển chọn.

 

Tuy nhiên, để được tham gia Chương trình này, một trong những điều kiện bắt buộc là người lao động phải có trình độ trung học phổ thông trở lên. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, miền núi huyện nghèo của nước ta vẫn còn nhiều thanh niên trẻ không có điều kiện học tập hoàn thành chương trình trung học phổ thông, do đó, không đáp ứng đủ điều kiện để tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

 

Tổ chức IM Japan đã có sáng kiến thành lập “Quỹ đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển” nhằm mục đích đào tạo kiến thức cần thiết miễn phí cho các thanh niên trẻ các huyện nghèo để đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Năm 2013, IM Japan đã quyên góp được số tiền 15 triệu Yên dùng để đào tạo miễn phí cho thanh niên nghèo Việt Nam theo chương trình này.

 

Hiện nay, bên cạnh Chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản hợp tác với Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang phối hợp với Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN) để thực hiện Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.

 

Phạm Thanh