Nhân viên sale bán hàng, khách gạ kèm... bán thân
(Dân trí) - "Nghề sale nhiều tiền đi liền với cám dỗ, có người chấp nhận đi "xa hơn" để bán được hàng", nữ nhân viên sale bất động sản kể những góc khuất của nghề.
"Chốt đơn" biệt thự... trên giường?
Bước vào nghề sale (bán hàng) bất động sản được 2 năm, chị Kim Chi (33 tuổi) cho biết, chỉ nhìn vào bề ngoài nhiều người thường nghĩ nghề này "sướng", với mức thu nhập "cao ngất". Tuy nhiên, là người trong cuộc, chị Chi thấm những nỗi vất vả đã trải.
"Nghề môi giới bất động sản, nhất là với phụ nữ, vất vả và thử thách rất nhiều. Các bạn nữ càng trẻ, càng xinh đẹp thì càng nhiều cạm bẫy rình rập.
Ngoài gặp phải những mánh lới, tiểu xảo, thậm chí lừa đảo, phụ nữ làm nghề này còn bị cái nhìn định kiến, kỳ thị. Nhiều người cho rằng, hoa hồng khi môi giới mua bán nhà quá lớn, chẳng mấy mà đổi đời nên nữ nhân viên sale sẵn sàng đánh đổi, "bán thân" để lấy hợp đồng", chị Chi chia sẻ.
Từ ngày đầu bước chân vào nghề này, nữ nhân viên đã phải đặt cho mình nguyên tắc bất khả xâm phạm, "bán dịch vụ, chứ không bán thân". Có "cứng lòng", "cứng tâm" mới vượt qua được vô số lần bị khách... gạ gẫm.
"Có lần tôi tư vấn cho khách căn biệt thự biển ở trong Nam, vị khách nam bảo chắc chắn sẽ mua nhưng người này yêu cầu tôi phải trực tiếp đưa vào đó thăm dự án.
Tôi đồng ý với khách. Tuy nhiên, khi tôi đề cập việc sẽ đi cùng sếp của mình thì vị khách thẳng thừng từ chối, ra điều kiện chỉ đi riêng với tôi. Thấy không ổn nên tôi cũng lấy lý do bận để thoái thác, báo với khách chưa sắp xếp được thời gian", chị Chi kể.
Một lần khác, chị giới thiệu cho khách về dự án mới nhưng trong quá trình trao đổi, khách không tập trung vào chuyện mua bán mà có nhiều lời nói mập mờ, gợi ý về tình trạng hôn nhân. Chị Chi nhanh trí, như vui vẻ hưởng ứng câu chuyện và khoe đã có gia đình thì khách "bặt tăm" luôn sau đó.
"Lần thì khách nam nói ý định mua một căn hộ để đầu tư. Anh này đi cùng vợ đến gặp tôi nhưng khi ra về thì thay đổi ý định, không mua nữa. Qua tìm hiểu tôi mới biết vợ của anh khách này có tính hay ghen, biết là sale nữ, chặn luôn, không cho chồng tiếp xúc", chị Chi chia sẻ.
Theo chị Chi, mỗi nhân viên sale bất động sản đều bị áp lực bởi doanh số bán hàng, thu nhập cá nhân cũng phụ thuộc rất nhiều vào KPI, hoa hồng từ việc bán hàng, "chốt đơn". Nắm được điểm này, nhiều khách hàng lợi dụng để gạ gẫm.
Nhiều khách sành sỏi, sẽ hỏi hoa hồng như thế nào rồi yêu cầu sale "cắt máu" (chia % hoa hồng cho khách), hoặc hỏi mồi, để câu tiếp theo là mặc cả: "Nếu em phục vụ anh tốt, anh sẽ có thưởng".
Khách hàng đa phần là nam, thường thích làm việc cùng sale nữ. Từ đó, quan hệ ngoài luồng giữa nhân viên sale và khách không phải chuyện lạ, chỉ là mối quan hệ này đi đến đâu và dừng lại lúc nào.
Có những sale chỉ cần ngồi cạnh, đặt tay lên đùi, là khách biết đang được "bật đèn xanh", chốt deal nhanh chóng. Có những khách khó hơn, quái hơn, thì có thể phải "đi xa hơn". Chị Chi cho biết, vì KPI, không ít người chấp nhận đánh đổi để bán được hàng.
Là nhân viên sale bất động sản ở phân khúc sản phẩm cao cấp, có giá trị từ 10 - 40 tỷ đồng hoặc nhiều hơn, chị Chi thường xuyên tiếp xúc với khách hàng là người có tiền, có điều kiện, thường có tuổi, thậm chí có chức tước.
"Phân khúc nào cũng có chuyện gạ gẫm, nhưng ở phân khúc cao thì tỷ lệ phải "bán bia kèm lạc" cũng cao hơn. Làm nghề nào thực sự cần bản lĩnh. Người làm nghề thì muôn hình vạn trạng, có người thấy khách hơi ỡm ờ là từ chối ngay, không muốn tiếp nhưng cũng có nhiều sale còn chủ động mời khi khách chưa kịp gạ, chấp nhận "bán thân" để bán được hàng", nữ nhân viên sale khái quát.
Nhận ảnh "nóng", lời mời gọi "muốn gì cũng được" của khách
Trong thế giới sale, chuyện bán hàng đi liền... bán thân không chỉ là áp lực với lao động nữ mà nhân viên nam cũng không hiếm trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Điển hình như trường hợp của anh Quang Tùng (29 tuổi), nhân viên bán xe của một hãng ô tô lớn tại Hà Nội.
Anh đúc kết, với nghề sale nói chung và sale xe nói riêng, việc bị khách bỡn cợt, gạ gẫm là "chuyện thường ngày ở huyện", quan trọng là người bán hàng để chuyện đó "đi tới đâu".
"Nghề sale xe thực sự ít bị gạ gẫm hơn sale bất động sản vì lương và hoa hồng thấp, ít có chuyện đánh đổi để bán được xe. Ở công ty tôi dễ bắt gặp nhất là chuyện khách thấy nhân viên ưa nhìn, gọi điện trêu ghẹo, ỡm ờ. Chuyện này xảy ra như... cơm bữa", anh Tùng nói.
Nhớ lại chuyện của chính mình, anh Tùng kể, tháng 4/2022, khi đang chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội, anh gặp một khách nữ là mẹ đơn thân, quê Hải Phòng.
"Chị khách trả lời tin nhắn và nhờ tôi tư vấn để mua xe, dĩ nhiên tôi cũng nhiệt tình tư vấn cho khách. Câu chuyện khi đó giữa tôi và vị khách này đơn thuần là về các mẫu xe. Tuy nhiên, vài ngày sau đó chị khách chủ động nhắn tin cho tôi, lúc thì tâm sự chuyện cá nhân, có lần còn chụp gửi tôi ảnh mặc đồ ngủ. Một lần khác chị nhắn tôi nói đang đi nhậu và bảo: "Say lắm rồi, Tùng đến đón chị đi", "Tùng mà không đón, mình không mua xe đâu"...
Lần khác, nữ khách hàng còn rủ cậu nhân viên bán xe về Hải Phòng với lời hứa hẹn: "Về đây thì muốn gì cũng được".
Biết bị "gạ", anh Tùng đã tìm mọi lí do để từ chối, không đến gặp. Xác định mục đích của khách không chỉ dừng lại ở việc mua xe, anh Tùng cũng phải kiên định quan điểm "chỉ bán xe, không bán mình" và tìm mọi cách "đá" qua chuyện khác.
Nam nhân viên sale xe cũng kể những nỗi khổ, éo le với cái nghề đòi hỏi sự cởi mở, quảng giao này, từ chuyện đi nhậu với khách tới đi tiếp khách cho sếp, phục vụ quan hệ của người khác thâu đêm suốt sáng.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)