1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Tele sale" lừa ở Campuchia tê tái nhận cuộc gọi oán hận "sao ăn ở ác thế?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Hồng gọi phải số điện thoại của khách cũ. Đằng dây bên kia, tiếng người phụ nữ hét toáng: "Bọn lừa đảo, sao tụi bay ăn ở ác thế?".

Hồng luống cuống cúp máy! Tay cô run rẩy, tim đập thình thịch. Ngồi dò lại, cô mới biết đây là số điện thoại của một khách cũ, trước đây đã bị chính đường dây của mình dụ dỗ, lừa lấy hàng chục triệu đồng. 

Hồng là một trong hàng chục người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia giữa cơn mưa tầm tã chiều 17/9 vừa qua và vừa được đưa về Việt Nam.

Nhiều người ám ảnh sau thời gian làm việc tại casino ở Campuchia (Ảnh: CTV).

Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, bất chấp tất cả, chỉ biết lao về phía trước. Có lúc Hồng nghe tiếng réo phía sau "Em chạy không nổi nữa rồi", nhưng cô không dám quay đầu lại. Khi thoát ra ngoài casino rồi, cô mới nghe mọi người kể, có chị mang bầu không chạy được nên người chồng cũng quay lại, chấp nhận bị bắt giữ cùng vợ.

Ngày nào lừa đủ chỉ tiêu thì bưng bát cơm cũng không nuốt nổi

Kể về công việc của mình trong casino, Hồng nói, đó là một nơi "bẫy người" bằng các cuộc điện thoại rất bình thường, ai "dây" vào thì khó để thoát ra. 

Công việc của Hồng và nhiều người ở đây là gọi điện cho khách hàng, bắt đầu bằng lời chào lễ phép, ngọt lịm: "Em xin chào anh chị, em điện thoại cho anh chị từ trung tâm nhà phát hành tiktok Việt Nam..." để dụ khách là người Việt ở trong nước nộp tiền vào game. Những "tele sale" (bán hàng từ xa) ở bên kia biên giới được huấn luyện làm những chiếc "bánh vẽ" vô cùng hấp dẫn. 

Sau đó, những người dụ mồi sẽ hướng dẫn khách kết bạn Zalo do một bộ phận khác phụ trách. Bộ phận này được gọi là sale 1, nơi tiếp tục dẫn dụ để khách móc tiền ra nộp vào game. 

Là người đi "thả mồi" nhưng chính bản thân Hồng cũng ngạc nhiên là có nhiều người dễ "cắn câu" như vậy. Chỉ làm việc ở đây vài tháng, cô đã chứng kiến hàng chục người sa bẫy rồi mất hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Người chơi đã "dính" vào game rất khó để dừng lại. Đã mất tiền, khi nghe dụ tiếp tục đóng tiền để rút về, hầu hết người chơi đều lao vào như thiêu thân. Nhiều người bán đất, bán nhà, vợ chồng đánh nhau, gia đình tan nát.

Bộ đội biên phòng tiếp nhận thông tin của người lao động Việt từ Campuchia về nước (Ảnh: CTV).

Số tiền này vào tay ai, những "tele sale" ngồi tại casino như Hồng không hay biết. 

Cô nghĩ, những nạn nhân này cũng như mình, họ bị dụ dỗ cũng như cô dụ sang đây làm việc với chiếc bẫy "việc nhẹ, lương cao". Người khác bẫy cô và cô lại đi bẫy người khác... kiểu như một vòng xoáy đa cấp. Bản chất các chiêu mồi chài đều đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết. 

Không thể đếm số người bị lừa nhưng Hồng diễn tả, chỗ cô làm hơn 70 người, mỗi ngày làm việc từ 12 - 13 tiếng, liên tục gọi điện, tiếp cận, săn đuổi hết "con mồi" này tới nạn nhân khác. Công việc sơ sẩy chút là bị phạt, bị trừ lương, trừ tiền.

Nếu nhân viên không "bẫy" được khách nghĩa là không đạt chỉ tiêu, sẽ bị phạt tiền, đứng trước nguy cơ bị sa thải. Nhưng "sa thải" không phải là bị đuổi việc mà thực chất là đem bán sang công ty khác. 

Còn hôm nào có khách, lừa đủ "chỉ tiêu", kết thúc một ngày không bị đe dọa, bị đánh đập, bị bỏ đói... thì Hồng cũng nằm vật ra, đồ ăn nuốt không trôi vì cổ họng nghẹn đắng... Bởi khi cô và những "tele sale" khác hoàn thành nhiệm vụ nghĩa là lại có thêm những người bị lừa! Mà cô là người trực tiếp đưa nạn nhân vào con đường đó. 

Gọi là đi làm việc nhưng muốn thoát ra, nhân viên phải bỏ tiền chuộc thân. Nhiều tháng làm ở đây, Hồng đã không dưới chục lần tự hỏi: "Bao giờ mình sẽ thoát khỏi đây?". Giá tiền chuộc của Hồng được xác định là hơn 2.000 USD, nếu bị bán qua công ty khác, giá sẽ tăng lên.

Ngày Hồng tháo chạy, trong người không có lấy một đồng. Cô bỏ lại hết phía sau để lao về phía bên kia cửa khẩu, nơi quê hương, đất mẹ mà cô đã rời bỏ. 

Quản lý người Việt "trị" người Việt 

Được giao phụ trách nhân viên, Ngọc (quê Đồng Nai) có nhiệm vụ quản lý, giám sát công việc của hơn 40 nhân viên tại casino. Hàng ngày Ngọc kiểm tra xem chỉ tiêu của từng nhân viên, đánh giá xem nội dung, cách thức gọi điện có đúng, có hiệu quả, có "bẫy" được đủ số con mồi hay không... 

Công ty ra chỉ tiêu với mỗi nhân viên là tiếp cận 30 khách/ngày, sau đó giảm xuống còn 25 nhưng vẫn không ai làm nổi, tất cả phải tăng ca, tăng giờ. Nhân viên bị áp lực phải đạt chỉ tiêu bao nhiêu thì ngoài kia, số người bị lừa tăng lên bấy nhiêu. 

Ngọc không hề biết về kế hoạch bỏ chạy của nhóm nhân viên "tele sale". Hôm đó, thấy mọi người chạy ùa ra, cô cũng hối hả chạy theo. Cô là người cuối cùng trong đoàn lao động Việt chạy thoát khỏi casino sát bên biên giới. 

Từ trải nghiệm của chính mình, khi đặt chân về nước, Ngọc muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, trước khi làm công việc gì cần phải tìm hiểu thật kỹ, đừng để bản thân bị rơi vào bẫy. Và đặc biệt, đừng ai lậm vào các loại game dụ dỗ đóng tiền trên mạng vì "dính vào chỉ có nước mất hết"...

Đưa người lao động Việt từ Campuchia về nước (Ảnh: CTV).

Thượng tá Trần Văn Đông - Trưởng công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện có số lượng lớn lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép qua Campuchia tìm "việc nhẹ, lương cao" thông qua các trang mạng xã hội. Nhưng khi sang làm việc, thực tế thì không đơn giản như vậy. 

Theo ông Đông , chính quyền các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền đến người dân và chính người lao động, trước khi đi làm ở đâu, nhất là khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc càng phải tìm hiểu thật rõ các thông tin làm việc gì, làm với ai, ở đâu.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.