Nhân sự Gen Z ghét "nịnh sếp", thích làm việc ở quán cà phê

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Khi các đồng nghiệp khác vây quanh sếp để khen về chiếc áo sơ mi mới của cấp trên, Xuân Mai - nhân sự Gen Z duy nhất ở công ty - vẫn âm thầm ngồi làm việc, chẳng cần làm vừa lòng ai.

Xuân Mai (23 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) là nhân sự Gen Z (thế hệ Z - những người SN 1997-2012) duy nhất tại công ty. Thỉnh thoảng, cô được nhận xét là không hòa nhã với đồng nghiệp, nhưng Mai không quan tâm.

nhan-su-tre_Ground Picture

Nhân sự Gen Z đôi lúc cảm thấy lạc lõng khi không thể "thảo mai" ở nơi công sở (Ảnh minh họa: Ground Picture).

E dè khoảng cách thế hệ

"Ngoài việc chào hỏi cơ bản khi đến và rời đi, tôi không có thói quen bắt chuyện hay "thảo mai" với đồng nghiệp. Bản thân tôi cảm thấy điều này không cần thiết và lãng phí thời gian. Bởi, tôi được công ty trả lương để làm việc, chứ không phải để làm vui lòng người khác", Xuân Mai thẳng thắn.

Bên cạnh đó, cô gái chia sẻ bản thân khá e dè về khoảng cách thế hệ. Việc bắt chuyện theo "phong cách" của Gen Z như cô có thể sẽ không phù hợp với những đồng nghiệp lớn tuổi, dễ gây ra hiểm lầm và mất lòng nhau. Vì thế, Mai chấp nhận trở thành "nhân sự ít nói nhất" trong suốt nửa năm đi làm.

nhan-su-tre_Shuttestock

Nhiều nhân sự Gen Z cho hay, việc "thảo mai" là không cần thiết (Ảnh minh họa: Shuttestock).

Lê Minh (21 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng thuộc số ít Gen Z ở công ty. Là một nhân viên thiết kế ấn phẩm truyền thông, Minh hằng ngày tiếp xúc với máy tính nhiều hơn nói chuyện với đồng nghiệp.

Từ đó, cô gái cũng thoải mái hơn khi không phải bắt chuyện với ai. Trong mọi cuộc trò chuyện, Minh luôn là người bị động. Khi có ai bắt chuyện thì Minh mới trả lời.

"Tôi hạn chế hết mức việc tham gia vào các cuộc trò chuyện "vô bổ". Nếu có điều gì tôi không thích hoặc ảnh hưởng đến chất lượng công việc, tôi không ngại lên tiếng góp ý dù đồng nghiệp có lớn tuổi hơn", Lê Minh bộc bạch.

Minh còn kể rằng, có lần cô đã dùng cả buổi chiều để chỉ ra lỗi của đồng nghiệp, khiến cho công việc bị trì trệ, mất thời gian. Nhờ tính cách thẳng thắn, đồng nghiệp đã vui vẻ lắng nghe, công việc sau đó cũng ổn thỏa hơn rất nhiều.

Trong khi đó, Y. V. (21 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho rằng đôi lúc "thảo mai" cũng khá cần thiết khi đi làm. Việc "nịnh" sếp và đồng nghiệp sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn thiện cảm về bản thân, cũng như làm dịu đi sự căng thẳng trong công việc.

Tuy nhiên, V. có nguyên tắc là "thảo mai" sẽ có mức độ nhất định. Nhân sự Gen Z này sẵn sàng "ngậm bồ hòn làm ngọt" 2 lần. Nếu đồng nghiệp tiếp tục phạm sai lầm, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, cô gái không ngần ngại lên tiếng tố cáo.

Không thích lên văn phòng, không ngại bỏ việc

Xuân Mai cho hay, công ty bắt buộc phải lên cơ quan mỗi ngày nhưng không quy định thời gian ở lại. Vì thế, Mai thường "gian lận" bằng cách xuất hiện nửa buổi rồi lẻn về khi sếp vắng mặt.

"Làm việc tại nhà khiến tôi không mất thời gian chuẩn bị để di chuyển đến chỗ làm. Thỉnh thoảng tôi ra quán cà phê cùng bạn bè, vừa trò chuyện với người cùng thế hệ, vừa làm việc khiến tôi thấy thoải mái hơn. Đôi lúc ý tưởng cũng xuất hiện trong các cuộc trò chuyện ấy", Xuân Mai nói.

Y.V. cũng cho rằng, làm việc tại nhà hoặc quán cà phê khiến năng suất công việc tốt hơn rõ rệt so với khi lên công ty.

nhan-su-tre_Greatplacetowork

Nhân sự Gen Z cảm thấy thoải mái khi làm việc tại nhà, quán cà phê hơn là ở văn phòng công ty (Ảnh minh họa: Greatplacetowork).

"Vốn là người không thích sự ràng buộc, tôi luôn ứng tuyển vào những công ty cho phép làm việc tại nhà. Hầu như những Gen Z mà tôi biết cũng có sở thích tương tự. Bằng chứng là trong giờ làm việc, các quán cà phê luôn đầy người ngồi với chiếc máy tính trên bàn", V. chia sẻ.

Với tính cách thích tự do, V. đã "nhảy việc" 3 lần trong năm nay. Trong đó, thời gian làm việc ngắn nhất là 1 tháng. Đối với V., châm ngôn sống chính là "làm việc khi vui và vui khi làm việc".

"Tôi sẵn sàng bỏ việc nếu những điều không hợp lý không được giải quyết triệt để, gây cho tôi nhiều phiền phức. Ai cũng xứng đáng có cuộc sống tốt hơn nên ngại gì phải ép bản thân làm những thứ mình chán ghét, tệ hại", V. nhấn mạnh.

Về khoản này, Xuân Mai cũng đồng tình. Bởi, cô từng vào làm việc tại công ty truyền thông khá nổi tiếng nhưng đã xin nghỉ sau 1 tuần thử việc. Nguyên nhân Mai nhận định do cách làm việc của công ty không phù hợp.

Tại Việt Nam, Gen Z có khoảng 15-16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Số lượng nhân sự này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào năm 2030.

Trong khảo sát của Glint, 69,5% Gen Z thích làm việc theo hình thức hybrid (linh động làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa). Hiện nay có rất nhiều Gen Z Việt Nam lựa chọn những công việc đem lại sự tự do.

Với khả năng làm việc độc lập tốt, tính chất công việc tự do, linh động sẽ giúp Gen Z phát huy hết sở trường và tư duy sáng tạo của mình.

Ngoài ra, Gen Z đã quen với phong cách làm việc có tính cạnh tranh và thích thử thách bản thân để đối đầu với người khác. Điều này có thể mang lại cảm giác tiêu cực cho những thế hệ khác khi làm việc cùng họ.

Theo báo cáo của Sapien Labs, có đến 77% nhân sự Gen Z thích làm việc linh hoạt. Điều này khiến họ khó có cơ hội được đào tạo và phát triển tiềm năng nghề nghiệp do bỏ lỡ sự kết nối trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên.

Khảo sát của Anphabe cho thấy có 62% nhân sự trẻ chọn "nhảy việc" trong năm đầu tiên đi làm. Trong đó, không ít Gen Z còn nhảy việc nhiều lần chỉ trong 1 năm.