Gen Z nhảy việc để tiện hẹn hò, giám đốc bật lại "sốc tận óc"

Hoài Nam

(Dân trí) - Gen Z nhảy việc liên tục đang trở thành vấn nạn mà các doanh nghiệp đau đầu. Trào lưu này ngày càng nở rộ khiến nhiều nhà tuyển dụng thực sự chán nản.

Nhảy việc vì "lỡ" việc... hẹn hò

Trong hàng loạt chương trình ngày hội việc làm diễn ra tại TPHCM gần đây, nhiều nhà tuyển dụng liên tục nhắc đến tình trạng người lao động trẻ thế hệ gen Z nhảy việc. Họ nhảy việc như chong chóng, ở mọi bối cảnh, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp nghỉ không báo trước. 

Ngay cả ngành nông nghiệp, vật nuôi, thú y, lĩnh vực mà thị trường nhân sự vốn ít xáo trộn nhất, đến thời gen Z thì cũng "không còn bình yên". 

Gen Z nhảy việc để tiện hẹn hò, giám đốc bật lại sốc tận óc - 1

Nhiều doanh nghiệp bất an khi tuyển dụng nhân sự gen Z (Ảnh minh họa: A.S).

Nhắc đến câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Hảo, Trợ lý Phó tổng giám đốc Công ty CP dược và vật tư thú y ở TPHCM cho biết, doanh nghiệp không biết phải làm cách nào với tình trạng "nhảy" việc của gen Z. Rất nhiều nhân sự công ty đào tạo, tập huấn xong xuôi, có thể bắt tay vào làm việc thì... bỗng dưng nghỉ. Họ nghỉ nhanh đến nỗi chưa kịp hiểu hết về môi trường, chính sách nơi mình làm việc. 

Bà Hảo liệt kê, có vô số lý do gen Z nhảy việc, có thể là một chút khó khăn, trắc trở trong công việc hay nhìn bên khác lương cao hơn chút đỉnh. "Hay có trường hợp bác sĩ thú y làm việc theo ca nhưng than 'làm việc vậy thì không sắp xếp được thời gian hẹn hò với bạn trai', thế là nghỉ...", bà Hảo nói. 

Trong chương trình việc làm mới đây, TS Đinh Mộng Kha, CEO một công ty chuyên cung cấp các giải pháp tiếp thị thông tin, theo các dự báo về thị trường lao động, đến năm 2030, nhân sự trong độ tuổi Gen Z chiếm khoảng 30%.

Quản lý công ty với hơn 60% nhân sự thuộc thế hệ này, nữ CEO đánh giá, các bạn nhanh nhạy, năng động nhưng khả năng chịu áp lực kém. Bà Kha gặp nhiều bạn trẻ chủ động đề nghị được làm dự án này, gặp người kia, thử cái này cái khác nhưng chỉ vừa bắt tay vào làm là than "khó quá". 

"Có nhiều bạn bị khách hàng trách móc sao đến trễ là trốn vào trong góc phòng ngồi khóc và làm đơn nghỉ việc", bà Kha kể. 

Tuyển gen Z trở thành nỗi sợ với nhiều nhà tuyển dụng hiện nay. Vì dễ lắm, có thể một ngày nhân sự đột ngột nghỉ việc, để lại "ghế nóng" làm doanh nghiệp không kịp trở tay. Có không ít trường hợp ra đi còn không tạm biệt lấy một lời... 

Nói "không" với nhân sự nhảy việc quá nhiều

Đáp trả ý kiến của một số chuyên gia về việc gen Z ngày nay nghỉ việc quá nhiều đến nỗi doanh nghiệp phát sợ, nhiều bạn trẻ lý giải, nhảy việc vì không phù hợp, chọn sai ngành nghề và đặc biệt là các bạn "nhảy" để trải nghiệm.

Gen Z nhảy việc để tiện hẹn hò, giám đốc bật lại sốc tận óc - 2

Thế hệ nhảy việc gen Z gây sợ hãi cho nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Tại chương trình ngày hội việc làm ở TPHCM mới đây, một bạn trẻ cho rằng, trong mắt mọi người, gen Z gắn với đặc tính "nhảy việc như chong chóng". Nhưng với các bạn trẻ, cô gái lý giải, họ nhảy việc liên tục là để trải nghiệm, để tiếp xúc với nhiều môi trường, học thêm nhiều thứ ngoài kiến thức chuyên môn. 

Trước ý kiến này, giám đốc một doanh nghiệp ở TPHCM khuyến cáo, các bạn trẻ cần kiên nhẫn, bình tĩnh, đừng vội nhận một công việc không đúng sở thích do cha mẹ, họ hàng sắp đặt hay vì bạn bè rủ rê. 

Theo ông, cái gì không xuất phát từ lựa chọn của bản thân thì các bạn sẽ không thể hiện được đam mê, năng lực. Như vậy, sự trải nghiệm hay thăng hoa trong công việc sẽ chậm hoặc sẽ không xảy ra. 

"Đối với những vị trí quản lý, tôi sẽ không dùng các bạn nhảy việc quá nhiều. Hãy cân nhắc, vì nhảy việc nhiều có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lên chức, thăng tiến", vị giám đốc bày tỏ. 

Chuyên gia nhân sự Bùi Quang Vinh (hiện là Giám đốc nhân sự tại một công ty ở TPHCM) phân tích, nhảy việc có mặt tích cực và tiêu cực. Trên thị trường lao động, có những nhân viên được gọi là cows (những con bò sữa). Họ chỉ biết cống hiến chuyên môn, không có nhu cầu phát triển, thăng tiến lên các vị trí quản lý cao hơn, doanh nghiệp cứ nuôi và "vắt sữa" cho đến khi về hưu. 

Gen Z nhảy việc để tiện hẹn hò, giám đốc bật lại sốc tận óc - 3

Chuyên gia nhân sự Bùi Quang Vinh (Ảnh: T.K).

Trường phái ngược lại, nhiều nhân sự trẻ được gọi là star (ngôi sao), họ muốn phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau để trở thành một leader (người lãnh đạo). Khi doanh nghiệp không tạo điều kiện để họ trải nghiệm, việc họ tìm nơi khác là điều hiển nhiên. 

Ông Vinh chỉ ra xu hướng nhân sự toàn cầu hiện nay có nội dung trải nghiệm nghề nghiệp và định hướng phát triển của nhân viên ở doanh nghiệp. Trong đó chỉ ra gen Z khi tìm việc sẽ quan tâm đến những cơ hội chuyển sang các vị trí khác để nâng cao kỹ năng, thăng tiến.

Theo chuyên gia nhân sự này, doanh nghiệp cần hiểu được suy nghĩ của gen Z để thiết kết các chương trình, chính sách giữ chân người trẻ. Vị giám đốc nhân sự cũng thông tin, hiện nay đã có rất nhiều chuyên đề, định hướng để giúp doanh nghiệp ứng xử làm sao cho phù hợp với nhân sự gen Z. 

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng đề cập tình trạng nhảy việc xuất phát từ việc các nhân sự gen Z mơ hồ, không định được mong muốn của bản thân, có bạn "đứng núi này trông núi nọ" khi thấy người khác có vị trí tốt hơn, thu nhập cao hơn. Trong khi kỹ năng chưa đáp ứng được công việc này, những nhân sự trẻ đó đã "nhảy" sang công việc khác. 

"Tôi không khuyến khích các bạn nhảy việc nhưng nếu các bạn có nhu cầu, mong muốn cho sự phát triển mà doanh nghiệp không tạo điều kiện thì hãy cứ đi", ông Vinh nói. 

Gen Z nhảy việc để tiện hẹn hò, giám đốc bật lại sốc tận óc - 4

TS Đỗ Thanh Vân (Ảnh: K.T).

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nêu quan điểm, không nên đồng nghĩa "nhảy việc" với "trải nghiệm". Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào sự cống hiến, sự chung thủy của người lao động nên mỗi nhân sự có nhiều cách để trải nghiệm, không nên xem nhảy việc mới là trải nghiệm.