Nhân giống húng Láng quý hiếm, cả làng xây nhà lầu, sắm xế hộp
(Dân trí) - Xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội nổi tiếng khắp nơi với nghề trồng rau gia vị đã có trăm năm tuổi, mang lại đời sống khấm khá và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây.
Nằm ven sông Nhuệ, đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, người dân xã Tân Minh không chỉ trồng các loại rau ăn hàng ngày mà còn chuyên canh rau gia vị.
Không ai nhớ chính xác nghề trồng rau gia vị có ở đây từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã có từ đời thượng cổ, cả trăm năm qua. Thực dân Pháp khi xâm lược ra Bắc cuối thế kỷ XIX đã đưa đến Tân Minh một số giống rau gia vị xứ lạnh, thường gọi là rau "lagim". Từ đó, nghề này ngày càng phát triển mạnh, đa dạng loại rau. Người dân quanh vùng thường gọi Tân Minh là "vựa rau lagim" hay "đất lagim".
Xã Tân Minh có tất cả 5 thôn Thọ Giáo, Phú Lương, Triều Đông, La Uyên, Phúc Trại với tổng diện tích khoảng 150ha. Làng nào cũng có đến ít nhất một nửa diện tích đất nông nghiệp để trồng rau gia vị, riêng Thọ Giáo và Phú Lương có diện tích trồng lớn hơn cả.
Năm 2008, xã Tân Minh dồn điền đổi thửa, quy mô sản xuất tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi hộ trồng khoảng 2-3 sào, hộ nhiều nhất lên đến một mẫu, phải thuê cả nhân công làm cộng với nhân lực gia đình.
Rau gia vị được trồng quanh năm, gần như không có thời gian cho đất nghỉ. Các loại rau gia vị như: rau răm, rau ngổ, hành, các loại húng, rau mùi, rau diếp cá..., trong đó kinh giới và tía tô chiếm diện tích lớn nhất.
Hiện nay, người dân xã Tân Minh đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới, sáng chế mới vào sản xuất rau gia vị thay cho phương pháp truyền thống. Hầu hết các hộ đều đào giếng lấy nước thay vì tưới nước sông Nhuệ, tưới bằng giàn mưa, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bẫy côn trùng tự chế, làm lưới che nắng, đưa giống húng Láng gốc của Hà Nội về nhân rộng.
Năm 2010, Tân Minh là một trong số rất ít vùng rau được trồng thử nghiệm giống rau húng Láng gốc của Hà Nội vốn rất nổi tiếng, quý hiếm. Kết quả cho thấy rau húng Láng trồng ở Tân Minh có hương, vị giống rau húng của làng Láng ngày xưa.
Thu nhập từ trồng rau gia vị gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa, gấp đôi so với trồng su hào, bầu dài, súp lơ. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Tân Minh đạt 43 triệu đồng/năm. Theo thống kê trước dịch Covid-19, toàn xã Tân Minh mỗi ngày tiêu thụ 60-80 tấn rau các loại.
Ông Trần Quang Tuyến (70 tuổi, cán bộ đã nghỉ hưu ở xã Tân Minh) cho biết, nghề trồng rau gia vị khá vất vả nhưng đem lại công việc thường xuyên và thu nhập ổn định. Lúc được giá, mỗi mẫu rau gia vị lợi nhuận được vài triệu, hơn hẳn trồng lúa hoặc cây ăn quả. Đặc biệt, rau gia vị giá khá ổn định.
"Như một gắp nhỏ húng Láng khoảng 5.000 đồng còn 1 cân bắp cải nặng hơn rất nhiều lần chỉ có giá 10.000 đồng. Rất nhiều nhà ngày xưa kinh tế khó khăn, sau khoảng chục năm trồng và đi buôn rau gia vị, giờ họ đã nhà cao cửa rộng, nhiều hộ có ôtô để đi", ông Tuyến chia sẻ.
Ngoài việc tự sản xuất, người dân xã Tân Minh còn khá năng động, tự thu mua, buôn bán trên các chợ ở nội thành Hà Nội. Trên các cánh đồng trồng rau gia vị và chân cầu Là ở xã Tân Minh, hàng ngày có khoảng 30 ôtô bán tải cùng vài trăm xe máy tham gia thu mua rau.
Tuy nhiên, một trở ngại để phát triển nghề trồng rau gia vị ở Tân Minh đó là bài toán xây dựng thương hiệu. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Minh, địa phương đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho vùng đất rau "lagim".
"Hiện địa phương có nhiều sự đầu tư để phát triển như hệ thống giếng khoan tự động, phổ cập kiến thức trồng rau an toàn, đẩy mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Những việc này sẽ giúp rau gia vị Tân Minh đến được các hệ thống siêu thị trong cả nước, tăng thêm giá trị cho rau lagim Tân Minh", ông Thắng nói.