Thợ mài ngọc mỗi ngày đều "xé túi mù", lỡ tay là bay ngay... bạc tỷ
(Dân trí) - "Nghề này giống như… xé túi mù vậy, chỉ khi cắt viên đá ra thì mới dám chắc giá trị thực", anh Trung, người có hơn 13 năm trong nghề chế tác đá quý, nói.
Nhọc nhằn những vết cưa
Trong căn phòng với đầy đủ máy móc, anh Trần Trung (ngụ tại TP Hà Nội) cầm viên đá tourmaline dạng thô, cẩn thận cắt từng lát để xem phần phôi bên trong.
Hơn 13 năm theo đuổi nghề chế tác và kinh doanh đá quý, anh Trung bộc bạch đây vẫn luôn là công đoạn khiến anh hồi hộp nhất.

Trước khi chế tác thành phẩm, người thợ phải trải qua bước cắt viên đá thô để kiểm tra chất lượng thực bên trong (Ảnh cắt từ clip: Nhân vật cung cấp).
Bởi một lô hàng dù được nhập về từ nước ngoài, có giá đắt đỏ hay được người bán cam kết chất lượng đến mấy, anh vẫn rơi vào cảnh "trắng tay" nếu phần phôi bên trong không đạt chất lượng. Ngược lại, lợi nhuận mang đến cho họ cũng không hề nhỏ.
"Một số người trong nghề từng bỏ hàng tỷ đồng để mua đá quý về nhưng giá trị thu lại chỉ được 1 phần 10. Có lần tôi đi nước ngoài, mua viên đá được quảng cáo là tourmaline xanh thủy mặc rất đẹp. Nhưng khi đưa về cắt ra thì bên trong đen sì, phải soi đèn mới lên màu. Giá trị mất đi nhiều, chỉ còn cách bán rẻ.
Loại đá này nếu bán ra trên thị trường thường có giá dao động vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi viên. Vì vậy, việc nhập về lô hàng số lượng lớn nhưng kém chất lượng thì số tiền thua lỗ rất lớn", anh Trung kể.
Theo anh, mỗi viên đá là một ẩn số. Dù giàu kinh nghiệm, người thợ vẫn hồi hộp khi cắt lát đầu tiên, bởi không ai biết bên trong sẽ hiện ra điều gì. Có khi viên đá với vẻ ngoài xấu xí lại sở hữu sắc xanh, tím rực rỡ bên trong, nhưng có khi càng đi sâu vào phôi, màu sắc lại thay đổi hoàn toàn.

Từng đường nét trên mảnh đá quý được người thợ chạm khắc tinh xảo (Ảnh cắt từ clip: Nhân vật cung cấp).
Thời gian đầu mới vào nghề, anh chia sẻ bản thân phải mất gần 6 năm để tự học, "trả giá" bằng rất nhiều tiền từ những lần thất bại. Người làm nghề này tối thiểu phải biết cách phân biệt đá thật hoặc giả, biết đọc tên các loại đá, phân tích độ cứng, công thức hóa học, phân bố địa lý của từng loại…
Gần 15 năm trong nghề, anh Đỗ Quang Khánh (ngụ tại TP Hà Nội) cũng không quên được những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Anh Khánh cho hay hành trình theo đuổi nghề này chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt với "lính mới" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thời điểm đó, anh bắt đầu từ một chiếc túi vải đỏ đựng đầy đá cũ mà bố nhờ... thanh lý hộ. Không cửa hàng, không vốn, không có khách quen, anh phải rong ruổi khắp Hà Nội để bán.
Có hôm, khách và anh ngồi xổm ngay dưới nền đất, rải đá ra chọn. Thậm chí, có lúc anh lộn ngược cả mũ bảo hiểm, đổ ụp đá vào rồi cùng khách "xì xụp" nhặt từng viên.
"Đó là những năm tháng không có công cụ hỗ trợ, không có mạng xã hội, không có sàn thương mại điện tử hay livestream (phát trực tiếp) bán hàng. Mọi giao dịch đều diễn ra thủ công trên các diễn đàn, trang rao vặt, cạnh tranh khốc liệt và đầy rủi ro", anh Khánh nhớ lại.
Không chỉ gian nan về kỹ thuật, họ còn phải đối mặt với thị trường đá quý như một "mê hồn trận" với đầy rẫy thủ đoạn. Đá giả, đá được xử lý hóa học, hàng nhái tràn lan khiến người làm nghề chân chính càng thêm thiệt thòi.
Tôn trọng tay nghề của thợ chế tác người Việt
Đối với những người thợ chế tác và kinh doanh đá quý như anh Trung, cảm giác "giải phóng" vẻ đẹp khỏi lớp vỏ đá thô chính là phần thưởng lớn nhất. Một người thợ chế tác giỏi có thể kiếm thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hơn nếu kết hợp kinh doanh. Tuy nhiên, để có được thu nhập cao hơn, họ phải có kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm cực giỏi.
"Mua được một lô đá chất lượng đã khó, chế tác thành công viên đá đó thành sản phẩm tinh xảo thể hiện đúng giá trị của viên đá lại là chuyện nhọc nhằn hơn", anh trải lòng.
Công đoạn chế tác là cả một quá trình kỳ công, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và cảm quan tinh tế như của một nghệ sĩ điêu khắc.

Sản phẩm chế tác thủ công của người thợ đá quý (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước tiên, người thợ phải chọn được khối đá phù hợp, quyết định xem nên mài trơn hay mài giác. Mỗi loại đá, từ sapphire, thạch anh tím đến tourmaline đều sở hữu một "trục màu" riêng biệt, thể hiện một mức độ đậm nhạt, phản xạ ánh sáng khác nhau. Người thợ phải cầm viên đá lên, xoay từng góc cạnh trong ánh sáng, để xác định đâu là hướng thể hiện được sắc độ rực rỡ nhất rồi mới tiến hành mài theo trục đó.
Khi mài giác, người thợ sẽ bắt đầu định hướng mài, bo khối, chà mịn, rồi đánh bóng bằng bột kim cương. Mỗi viên đá đều phải được cố định chắc chắn suốt quá trình chế tác. Chỉ một sơ suất nhỏ, một cái trượt tay thì viên đá quý có thể rơi và vỡ vụn, khiến bao công sức của thợ trở thành tro bụi.
"Với những tác phẩm chạm khắc như tượng Phật trên đá quý, càng đòi hỏi sự kỳ công và kỹ năng điêu luyện của người thợ. Phần khó nhất là khâu chạm khuôn mặt, người thợ phải vừa tỉ mỉ trong từng đường nét, vừa tinh ý căn chỉnh ánh sáng để khi chiếu vào không bị khúc xạ mạnh, giữ được vẻ thanh thoát, hiền từ của thần thái. Có khi chỉ một lần ánh sáng lệch trục, tác phẩm tưởng chừng hoàn hảo lại đành gác sang một bên", anh Trung nhấn mạnh.
Vì độ tinh xảo cao nên giá trị của đá quý là không hề nhỏ. Anh Trung khẳng định rằng những chiếc vòng đá được chạm khắc hoàn hảo, có màu sắc đẹp và trong suốt, nhưng giá chỉ vài triệu đồng thì hầu hết hàng giả. Bởi đá quý chất lượng không thể có giá dưới 10 triệu đồng, thậm chí có viên còn lên đến bạc tỷ.
Dù yêu cầu độ khó cao và luôn thử thách người trong nghề, công việc này vẫn khiến anh Đỗ Quang Khánh không ngừng đam mê, theo đuổi. Bởi ngoài lợi nhuận, đá quý được tin rằng còn mang đến nhiều giá trị khác như vận may, phong thủy, tài vận, sức khỏe…

Anh Khánh trong một cuộc giao dịch ngọc phỉ thúy tại Myanmar (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Trong hành trình săn đá quý, tôi đã có cơ hội đặt chân tới hầu hết thủ phủ đá nổi tiếng thế giới như Mandalay (Myanmar), Chanthaburi (Thái Lan), các hội chợ lớn ở Bangkok, Hong Kong, cho đến Trung Quốc, Sri Lanka.
Mỗi chuyến đi đều được tôi ghi lại qua ký sự chân thực, không chỉ về đá quý mà còn về văn hóa, tín ngưỡng, con người bản địa. Đây là những chia sẻ luôn được khách hàng và anh em trong nghề đánh giá cao", anh Khánh nói.