Nhân công rẻ, các công ty IT bỏ Trung Quốc và Việt Nam, vào Myanmar

Cuộc đua tìm kiếm các kỹ sư IT tại Myanmar đang nóng dần lên, khi giá nhân công tại Trung Quốc và Việt Nam đang tiếp tục tăng.

Theo hãng tin Nikkei của Nhật Bản, các công ty đến từ Nhật Bản đang là những người dẫn đầu cuộc đua. Hitachi mới đây thôi đã hợp tác với trường đại học hàng đầu về khoa học và kỹ thuật của Myanmar để tìm kiếm tài năng, trong khi đó NTT Data đang có kế hoạch tăng số nhân viên là người địa phương tại quốc gia Đông Nam Á này lên gấp 2,5 lần nữa trong vòng 3 năm tới.

Không hề chịu thua, các công ty công nghệ thông tin đến từ Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ, những công ty đang có rất nhiều hi vọng và quá trình dân chủ hóa của Myanmar, cũng đang tiến vào thị trường này.

Phòng thí nghiệm mới của Hitachi tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin Yangon
Phòng thí nghiệm mới của Hitachi tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin Yangon

Hôm thứ Hai vừa qua, tập đoàn Hitachi tuyên bố đã thiết lập một phòng thí nghiệp tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin tại Yangon, nhằm nuôi dưỡng những lãnh đạo thế hệ tiếp theo tại Myanmar. Công ty Nhật Bản này cũng có kế hoạch tổ chức 4 khóa học mỗi năm, mỗi khóa học kéo dài 2 tuần, tại trường đại học này, bằng cách gửi các kỹ sư từ Nhật Bản đến dạy các giáo viên và sinh viên cách làm thế nào để quản lý hệ thống máy tính và tối ưu hóa dữ liệu lớn. Tất nhiên, những khóa học đó sẽ sử dụng các máy tính cá nhân và máy chủ do Hitachi tặng.

Hitachi hi vọng có thể dạy được tổng cộng khoảng 400 người trong vòng 5 năm và cũng lên kế hoạch tuyển dụng lại những người tốt nghiệp giỏi để làm việc trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng IT, mảng kinh doanh chính của Hitachi tại Myanmar.

Theo ông Kaichiro Sakuma, Phó chủ tịch cấp cao tại Hitachi, Myanmar có “tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực” do có chi phí nhân công rẻ và khả năng học hỏi cao của các công nhân. “Chúng tôi muốn sử dụng những nhân viên này tại tất cả các hoạt động chính của tập đoàn chúng tôi ở khắp khu vực Đông Nam Á,” ông Kaichiro nói.

NTT Data, trong khi đó, cũng có kế hoạch tăng số nhân viên phát triển phần mềm được tuyển dụng tại Myanmar lên 600 người trong vòng 3 năm. Trong năm, công ty này cũng đã lập chi nhánh tại Myanmar để phát triển các ứng dụng phần mềm cho thi trường Nhật Bản. Theo đó, NTT Data còn muốn biến Myanmar thành trung tâm phát triển ở nước ngoài lớn thứ hai của tập đoàn, sau Trung Quốc.

Không chỉ có Hitachi và NNT Data, các công ty IT từ khắp các nước Châu Á cũng đang tỏ rõ sự quan tâm đến các kỹ sư Myanmar. Huawei Technologies, một công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc, cuối năm ngoái cũng đã ký kết một bản thỏa thuận với Bộ Khoa học và Công nghệ Myanmar để tham giao đào tạo kỹ sư IT cho quốc gia này. Hoạt động trên cũng không nằm ngoài mục đích tuyển dụng được nhân sự cho mảng kinh doanh hạ tầng thông tin của công ty này.

Thực tế thì chi phí nhân công đang tăng lên ở khắp mọi nơi là lý do chính buộc những công ty kể trên phải tập trung nhiều hơn vào Myanmar. Tại Trung Quốc và Việt Nam, hai thị trường chính thực hiện gia công phần mềm hiện tại, giá nhân công của các kỹ sư IT cũng đã tăng ở mức 2 con số hàng năm, khiến cho việc tuyển dụng mới khó khăn hơn. Trong khi đó, chi phí nhân công tại Myanmar chỉ bằng một nửa so với tại Trung Quốc và bằng hai phần ba tại Việt Nam.

Xu hướng trên trái ngược với trước đây, khi các công ty nước ngoài luôn tránh xa Myanmar vào thời điểm nước này đang dưới quyền kiểm soát của quân đội. Nhưng quốc gia Đông Nam Á này lại có khoảng 30 trung tâm giáo dục có định hướng vào ngành IT, và cho ra trường mỗi năm hơn 10.000 kỹ sư.

Chính vì thiếu các nhà tuyển dụng trong thời gian dài, nên việc tuyển dụng những kỹ sư IT có tay nghề cao tại Myanmar đang dễ hơn các nước khác ở Châu Á.  Trong cuộc đua này, các công ty Nhật thường có lợi thế hơn khi các kỹ sư người Myanmar thường có xu hướng chọn các công ty Nhật, bởi vì cấu trúc ngữ pháp giống với ngôn ngữ địa phương.

Với chiến thắng của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc, do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu, các công ty IT của Mỹ cũng đang kỳ vọng sẽ tham gia vào thị trường này và tuyển dụng nhiều nhân viên là người bản địa. Cụ thể, Microsoft và Cisco Systems đều đã bắt đầu hỗ trợ việc đào tạo kỹ sư IT tại các trường đại học và các tổ chức giáo dục khác. Với sự tham gia của các công ty Mỹ, cuộc cạnh tranh tuyển dụng kỹ sư IT tại Myanmar sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp