Nghề đang có giá nhất: Kĩ sư phần mềm

Một trong những công việc đứng cuối bảng xếp hạng 200 công việc trên thế giới là nghề phóng viên viết, xếp thứ 196, thua nghề phóng viên ảnh 30 bậc và thua nghề giám đốc mai táng 90 bậc…

Nghề đang có giá nhất: Kĩ sư phần mềm
Những công việc được đánh giá cao nhất lần lượt là kĩ sư phần mềm, chuyên viên thống kê, quản trị nhân lực...
 
Muốn có công việc tốt, hãy học ngôn ngữ lập trình và tránh xa những lưỡi cưa! Đây là lời khuyên đúc kết từ bảng xếp hạng 200 công việc tốt nhất năm 2012 do trang CareerCast thực hiện.

 

Sử dụng số liệu từ cục Thống kê lao động, cục Điều tra dân số, hiệp hội Nghiên cứu thương mại và nhiều cơ quan khác của Mỹ. Trang này thực hiện bảng xếp hạng theo năm tiêu chí: yêu cầu thể chất, môi trường làm việc, thu nhập, độ căng thẳng trong công việc và triển vọng tuyển dụng.

 

Những công việc được đánh giá cao nhất lần lượt là kĩ sư phần mềm, chuyên viên thống kê, quản trị nhân lực, nha khoa, hoạch định tài chính, thính học, trị liệu nghề nghiệp, quảng cáo trực tuyến, phân tích hệ thống máy tính và nhà toán học…

 

“Chúng ta đang trong giai đoạn cách mạng kĩ thuật, nên luôn có sức nóng về nhu cầu kĩ sư phần mềm”, quản lý trang CareerCast.com, ông Tony Lee nhận định.

 

Ngành nghề thăng hạng nhiều nhất năm nay là hoạch định tài chính và trị liệu nghề nghiệp, khi cả hai công việc đều tăng 10 điểm so với năm 2011. Điều này liên quan đến việc thế hệ baby boomers (những người sinh ra giai đoạn 1946-1964) ngày càng lớn tuổi. Họ cần trợ giúp tài chính sau khi nghỉ hưu, hoặc cần điều trị để trở lại công việc sau khi bị chấn thương.

 

Theo ông Tony Lee, không có gì bất ngờ khi vị trí kĩ sư phần mềm dẫn đầu danh sách. Điều ngạc nhiên là lĩnh vực quản lý nguồn nhân lực ở vị trí thứ ba. Ông cho biết nhiều quản lý nhân sự (HR) đã than phiền với ông về sự căng thẳng trong công việc vốn ngày càng khó khăn trong bối cảnh các công ty liên tục sa thải trong khi nhân viên thì lo lắng.

 

Ngoài ra còn là việc cắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng đến chức năng của những bộ phận như nhân sự. Tuy nhiên, với tỉ lệ tuyển dụng đang trên đà tăng từ vài tháng qua và dự kiến sẽ còn nóng lên khi nền kinh tế phục hồi thì triển vọng của nghề nhân sự sẽ tươi sáng hơn. Đó là lí do công việc này được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.

 

Điểm chung ở các công việc dẫn đầu bảng là nhất thiết phải có trình độ học vấn như tốt nghiệp đại học hoặc chứng chỉ tay nghề cao. Phần lớn các ngành nghề tốt nhất đòi hỏi sự thông thạo về khoa học, toán hoặc kĩ thuật. Điều kiện làm việc cũng không nguy hiểm hay quá căng thẳng. Với các công việc xếp hạng thấp khác – tương đương với nhận định đó là công việc tồi – thậm chí không cần đòi hỏi cả bằng tốt nghiệp phổ thông. Những công việc được đánh giá thấp nhất như phóng viên, công nhân giàn khoan dầu, quân nhân, nông dân trang trại sữa và thợ gỗ (hạng 200).

 

Sự giảm liên tục trong nhu cầu xây dựng nhà ở mới dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung gỗ, ảnh hưởng đến những người thợ đốn gỗ. Yêu cầu thể chất của công việc này khá nặng nề, nhưng mức lương thì chỉ 32.114 USD/năm (tại Mỹ) nên công việc này đứng cuối bảng xếp hạng. Anh thợ gỗ Kirk Luoto, 30 tuổi, thừa nhận anh đã chọn một ngành nguy hiểm. “Bạn liều lĩnh cuộc sống của mình mỗi ngày nhưng nhận được rất ít”.

 

Tuy nhiên, ông nội và cha của Luoto đều là người khai thác gỗ, bây giờ gia đình anh sở hữu một công ty gỗ nhỏ ở Carlton, bang Oregon (Mỹ). “Tôi từng nghĩ mình nên làm việc gì khác”, nhưng anh nhanh chóng nhận ra sẽ không phù hợp với các công việc có thứ hạng cao hơn, cụ thể là những công việc văn phòng. “Tôi không thích những chiếc bàn đầy giấy tờ”, anh nói.

 

Ở Mỹ, nông dân còn sắp thứ hạng cao hơn phóng viên 15 bậc (hạng 179), cho thấy gạo bắp thời buổi này có giá hơn thông tin.

 

Trong những công việc tồi nhất xét về điều kiện làm việc như phóng viên, binh sĩ, công nhân giàn khoan… thì không có gì khó hiểu. Nói về ngành được xếp thứ hai từ dưới đếm lên, nông nhân trang trại sữa (hạng 199), ông Lee lí giải: “Họ làm việc ngoài trời liên tục bất kể thời tiết thế nào, xung quanh họ có rất nhiều con vật lớn sẵn sàng giẫm lên chân và làm gãy chân họ. Ngoài ra họ còn phải cạnh tranh với những đơn vị sản xuất sữa nên thu nhập giảm xuống”.

 

Theo Cảnh Toàn

SGTT/WSJ, Forbes