Nhà máy tạm ngừng, thương lái ép giá, dân hết mặn mà với cây "ngọt ngào"
(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) tạm ngưng hoạt động khiến nhiều nông dân trồng, bán mía chục bị thương lái ép giá.
Nhà máy đường tạm dừng hoạt động
Mới đây, đại hội cổ đông của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đã thống nhất đóng cửa nhà máy Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024.
Lý do dẫn đến việc tạm ngưng hoạt động được cho là lượng mía nguyên liệu được nông dân sản xuất không đủ để ép.
Ông Trần Văn Tuấn, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, việc nhà máy nhà đường Phụng Hiệp tạm ngưng hoạt động trong vụ ép 2023-2024 có ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân nhưng không quá lớn.
Nguyên nhân do nhiều năm nay người dân ưu tiên bán mía chục (mía làm nước giải khát - PV) cho thương lái vì lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, vẫn bán cho nhà máy đường với số lượng nhỏ "duy trì".
Tuy nhiên khi nhà máy đường có văn bản thông báo ngưng vụ ép 2023-2024, người dân phải chuyển qua bán mía chục hoàn toàn thì xuất hiện tình trạng thương lái ép giá.
"Nếu trước đó, mía chục có thể bán được mức giá từ 1.800 đến hơn 2.500 đồng/kg thì khoảng vài ngày nay giá mía chục giảm còn 1.300-1.400 đồng/kg. Một số trường hợp thương lái đã đặt cọc trước đó nhưng không lấy hàng, buộc nông dân hạ giá mới giao dịch tiếp.
Bán mía chục có lời nhưng không phải hướng tối ưu
Được biết, toàn huyện Phụng Hiệp có hơn 3.100ha mía, tập trung ở 3 địa phương gồm Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (ngụ ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng) cho biết, vụ mía đường thông thường trồng 11-12 tháng mới xuất bán, nhưng khoảng 3 năm nay giá mía đường thường bấp bênh, người dân không còn mặn mà với việc bán cho nhà máy đường mà ưu tiên bán mía chục.
"Mía chục trồng chừng 5 tháng có thể bán rồi còn mía đường tới 11-12 tháng mới bán. Thời gian chăm sóc lâu, tốn phân thuốc mà giá bán được 1.100-1.200 đồng/kg là lỗ. Còn bán mía chục lời hơn nên nhiều người ham. Nhưng hiện giờ do nhà máy đường thông báo ngưng vụ này, thương lái mới ép giá, tính ra giảm từ 200 đồng/kg", ông Cảnh nói.
Còn bà Trần Thị Út (ngụ xã Hiệp Hưng) cho hay, thu nhập chính của gia đình bà từ cây mía. Ruộng nhà bà có khoảng 2.000m2 đất trồng mía tương ứng hơn 600 hộc (hàng) mía.
Một bó mía (12 cây) có trọng lượng khoảng 20kg được thương lái mua với giá chỉ 24.000 đồng, tương đương khoảng 1.200 đồng/kg, trong khi vụ năm ngoái giá thấp nhất cũng 1.700 đồng/kg. Thương lái chủ yếu ở TPHCM.
"Bán mía chục vẫn có rủi ro vì phụ thuộc thương lái nên dễ bị ép giá. Còn nếu tự chủ đầu ra nghĩa là bán trực tiếp cho người mua ép nước mía thì số lượng không nhiều, cùng lắm chừng vài chục bó/ngày", bà Út lo ngại.
Giá mía bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến nông dân xứ mía không còn mặn mà với loại cây "ngọt ngào" này. Những năm gần đây, nhiều hộ trồng mía phá bỏ thế độc canh cây mía, kết hợp sản xuất cây ăn trái có giá trị như mít Thái, cây có múi... nhằm cải thiện thu nhập.
Phía ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cũng cho hay, định hướng đến năm 2025, diện tích cây mía ở địa phương sẽ giảm còn khoảng 2.000ha. Một số loại nông sản được hướng đến là khóm, mít, sầu riêng...