Thương lái ngừng mua, ớt ế nhuộm đỏ đường, nông dân lại lao đao
(Dân trí) - Các thương lái ngừng thu mua khiến ớt rớt giá thê thảm, chỉ còn 4.000 đồng/kg. Quá thất vọng, nhiều nông dân đành mang ớt ra đường phơi khô để chờ tăng giá mới bán.
Tháng 4, Quảng Ngãi nắng gay gắt nhưng những ánh đồng ớt đỏ rực ở xã Nghĩa Hà (thành phố Quảng Ngãi) chỉ lác đác vài người hái.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (58 tuổi) cho biết, dù giá ớt quá thấp nhưng ông không đành lòng bỏ ruộng ớt hơn 400m2. Mấy ngày qua, ông và vợ lủi thủi thu hoạch, mỗi ngày được vài chục kg.
Theo ông Tuấn, giá ớt hiện nay không đủ bù chi phí trả công thuê người hái. Vậy nên ruộng của ai người đó hái, không thuê mướn. Nhiều ruộng bị bỏ, ớt chín rụng đầy dưới gốc.
"Mấy ruộng sắp bị nhổ bỏ để trồng thứ khác", ông Tuấn nói.
Vụ này, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 1.400ha ớt. Khoảng nửa tháng nay, ớt chín rộ vì đây là thời gian thu hoạch ớt cao điểm. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu vụ, ớt rớt giá thê thảm. Có thời điểm, giá ớt chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg.
Bà Trần Thanh Thủy (xã Nghĩa Hà) vừa bán gần 200kg ớt tươi cho thương lái với giá 7.000 đồng/kg. Với 1,4 triệu đồng thu được, bà Thủy đã phải tốn hơn 400.000 đồng thuê nhân công hái.
"Ớt chín rộ nên tôi phải thuê thêm người hái. Nhà tôi 2 người, thuê thêm 2 người mới hái được gần 200kg ớt mỗi ngày", bà Thủy cho biết.
Theo bà Thủy, với ruộng ớt rộng 500m2, người trồng sẽ tốn 5-6 triệu đồng chi phí đầu tư. Nếu ớt phát triển tốt, diện tích này sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn ớt tươi. Nếu giá như hiện nay chỉ vừa đủ bù chi phí sản xuất, chưa tính công chăm sóc, thu hoạch.
Bà Huỳnh Thị Hải, thương lái cho rằng, ớt cũng giống như nhiều loại nông sản khác khi thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Năm nào Trung Quốc thu mua mạnh, năm đó giá ớt tăng vọt. Có năm, giá ớt đạt mức 40.000 đồng/kg. Ngược lại, khi thị trường này đóng cửa, ngay lập tức giá nông sản rớt thê thảm.
"Thương lái không thu mua nên giá ớt rất thấp. Chúng tôi mua ớt của bà con nông dân về nhưng cũng đâu xuất bán được. Bây giờ phải phơi khô, chờ khi nào thương lái mua lại thì bán, mà cũng không biết họ có mua không", bà Hải nói.
Theo bà Hải, nhiều năm qua, các thương lái đã tìm kiếm một số thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc này nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thị trường mới yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, quy trình kiểm định nghiêm ngặt nên phần lớn nông sản khó đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, lượng tiêu thụ của những thị trường này cũng rất nhỏ so với thị trường Trung Quốc.