1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

ĐBSCL:

Trồng cây lấy nước ngọt gặp năm giá tốt, nông dân nhẹ tay thu tiền

Hoàng Tùng Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Sau nhiều năm thua lỗ do giá thấp, thời điểm này, nông dân trồng mía ở ĐBSCL rất phấn khởi vì giá tăng và thu lợi nhuận cao.

Vài năm trước, giá mía tại ĐBSCL giảm nên nông dân thua lỗ, có người đã chuyển diện tích trồng mía sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Chính vì vậy, diện tích mía ở các địa phương cũng giảm. Nhưng hiện nay, qua ghi nhận của phóng viên Dân trí, giá mía đã tăng trở lại.

Bà Dương Thị Chùy (ngụ xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) cho biết, năm nay mía được giá, nhà nông rất phấn khởi.

Theo bà Chùy, gia đình bà trồng khoảng 1.500m2 mía lấy nước. Do thời tiết nên mía không được đẹp nhưng thương lái vẫn mua toàn bộ, được 22 triệu đồng. "Sau khi trừ chi phí thì tôi còn lời được mấy triệu đồng", bà Chùy nói.

Trồng cây lấy nước ngọt gặp năm giá tốt, nông dân nhẹ tay thu tiền - 1

Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) có diện tích trồng mía khá lớn và là thu nhập của nhiều người dân nơi đây (Ảnh: CXL).

"Về năng suất mía thì tùy theo vùng đất, có hộ đạt năng suất 15 tấn/1.000m2, nhưng có hộ chỉ đạt 8 tấn/1.000m2. Với mía đạt độ đường tốt, giá bán khoảng 1,3 triệu đồng/tấn, loại độ đường thấp thì có giá từ 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, chúng tôi lời được 2-4 triệu đồng/1.000m2", một người dân trồng mía ở Cù Lao Dung cho hay.

Nhiều nông dân trồng mía lấy nước ở Cù Lao Dung bán cho thương lái đưa lên TPHCM, Bình Dương tiêu thụ đều có lợi nhuận khá.

"Gia đình tôi trồng được 2.000m2 mía. Do mía đẹp nên thương lái mua hết với giá 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí tôi còn lời được 30 triệu đồng. So với trồng mía nguyên liệu làm đường thì trồng mía lấy nước lời cao hơn", một hộ dân trồng mía ở xã An Thạnh 2 chia sẻ.

Trồng cây lấy nước ngọt gặp năm giá tốt, nông dân nhẹ tay thu tiền - 2

Nhiều người dân phấn khởi vì giá mía năm nay khá cao, lợi nhuận tốt (Ảnh: CXL).

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, vụ mía năm nay, nông dân của huyện trồng khoảng 2.800ha mía, tập trung ở các xã An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông. Với giá bán như hiện nay nông dân có lời khá cao.

Tại vùng mía lớn nhất tỉnh Trà Vinh là huyện Trà Cú cũng ghi nhận giá mía tăng cao. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PT&NT) huyện Trà Cú cho biết: "Toàn huyện đã thu hoạch khoảng 700/1.100 ha mía, năng suất đạt 95 tấn/ha. Giá mía được nhà máy đường thu mua ở mức 1.250 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cao hơn 150 đồng/kg so với năm rồi, nông dân thu lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha". 

Ông Lý Văn Hên (ngụ tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) có gần 1,5 ha trồng mía và đã bán hết cho Công ty CP Mía đường Trà Vinh với giá 1.250 đồng/kg tại ruộng, không tốn nhân công và chi phí vận chuyển đến nhà máy.

"Sau nhiều năm thua lỗ, tôi định chuyển sang nuôi cá lóc nhưng tiền đầu tư nuôi cá cao quá nên vẫn giữ diện tích trồng mía. May mắn năm nay giá mía cũng tạm được, có lời để chi tiêu sinh hoạt trong nhà" - ông Hên phấn khởi. 

Vẫn theo lời lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, niên vụ 2022-2023, Công ty CP Mía đường Trà Vinh đã hỗ trợ cho nông dân có hợp đồng với công ty là 70 triệu đồng/ha để mua giống, phân… Người trồng chỉ bỏ công, khi nào vụ thu hoạch thì trả lại. Việc làm này nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu vì diện tích mía hiện nay giảm mạnh.