Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Chỉ nên tăng lương tối thiểu 5 %”.
(Dân trí) - “Tôi đã từng phát biểu, năm 2018, nên giãn việc tăng lương tối thiểu vùng là tốt nhất nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Còn nếu tăng thì nên ở mức 5 %”.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí liên quan tới diễn biến các phiên họp đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018.
Được biết, phiên họp lần 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 28/7 tại Hà Nội đã không tìm ra điểm chung trong các đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của các bên.
Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - đại diện giới chủ, giữ mức đề xuất tăng 5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ VN chấp nhận với đề xuất tăng 8%.
Tuy nhiên, khoảng cách 3 % như trên giữa đề xuất của các bên đã là dấu hiệu tích cực hơn so với mức 8 % sau phiên họp lần 1 hôm 26/7 tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Dự kiến phiên họp lần 3 sẽ diễn ra hôm 7/8.
Giải thích về quan điểm đề xuất tăng 5 %, ông Phạm Minh Huân cho rằng: Năm 2018, Chính phủ nên có sự đánh giá tổng thể 10 năm tăng lương liên tục. Nếu tính bình quân mỗi năm tăng lương khoảng 18,5 %. Con số này vượt hết tất cả các chỉ số khác như: GDP tăng trung bình 6,7 %, CPI chỉ tăng hơn 10 %.
“Như vậy, việc tăng lương tối thiểu thời gian qua hướng quá nhiều vào mức sống tối thiểu thay vì từ các thông số kinh tế khác” - ông Phạm Minh Huân nói.
Cũng theo vị nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ nên dồn sức cho doanh nghiệp nhằm tạo đà phát triển trong năm 2018 và lương tối thiểu chỉ tăng ở mức 5 %.
Mức tăng này tuy không cao bằng năm 2017 nhưng cũng phần nào đảm bảo lương thực tế cho người lao động trong điều kiện trượt giá của năm 2018.
Nhấn mạnh tới khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ông Phạm Minh Huân nói: “Sẽ là khó khăn và không công bằng nếu chúng ta chỉ quan tâm tăng lương tối thiểu ở mức cao và cứ nhấn mạnh tới nhu cầu sống tối thiểu mà bỏ quên khả năng chịu đựng của doanh nghiệp”.
Theo ông Phạm Minh Huân, đa số doanh nghiệp của VN có mô hình nhỏ và siêu nhỏ. Một số ngành sử dụng đông lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu điều chỉnh “nền” tiền lương tối thiểu, như da giày, dệt may, lắp ráp điện tử hoặc chế biến thuỷ sản…
“Ngoài ra, ảnh hưởng tới chi phí nâng lương trung bình và chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp. Nếu đến một lúc nào đó mà không hài hoà được, doanh nghiệp có thể phải chọn việc vi phạm luật hoặc thu gọn sản xuất lại và sa thải bớt người lao động. Bởi chi phí lao động tăng cao, làm mất cân đối trong tổng chi phí sản xuất” - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương nói.
Đánh giá về vấn đề tương quan giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, ông Phạm Minh Huân cho rằng: Về cơ bản, các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia đều thống nhất với nhau về quan điểm lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. Nhưng đây mới chỉ là mục tiêu.
Ông Phạm Minh Huân bổ sung: “Nhu cầu sống tối thiểu chỉ có tính tương đối. Chúng ta chỉ xác định mức sống tối thiểu trong 5 năm trên điều kiện kinh tế xã hội thời điểm đó. Hết thời gian này, chúng ta lại tiếp tục tính toán lại nhu cầu trên mặt bằng xã hội của thời gian mới”.
Theo đó, ngay cả khi mức lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu thì cũng phải căn cứ vào nhiều điều khác. “Bởi lương tối thiểu chỉ là một căn cứ, còn toàn bộ chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động còn do chính sách phúc lợi, chính sách thu hút” - ông Phạm Minh Huân kết luận.
“Bộ Luật Lao động đã nêu rõ các tiêu chí xác định lương tối thiểu, bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội và mặt bằng tiền công trên thị trường. Nhưng trong điều kiện kinh tế xã hội, GDP, chỉ số CPI, năng suất lao động, vấn đề việc làm, tình hình doanh nghiệp và điều tra mức sống của dân cư, điều tra mặt bằng tiền công của thị trường, đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu của năm trước ra sao…Tất cả các yếu tố đó cần hợp lại để có phương án hài hoà nhất” - ông Phạm Minh Huân nói.
Hoàng Mạnh